Chọn trang

Ý NGHĨA BÁO HIẾU TRONG KINH VU LAN VÀ KINH ĐỊA TẠNG

Có một số Phật tử thắc mắc tại sao ngài Mục Kiền Liên đã chứng quả A La Hán và có thần thông lại không cứu được mẹ mình thoát cảnh ngạ quỷ mà phải nhờ sức oai thần của mười phương tăng, nhưng cô gái Bà La Môn trong kinh Địa Tạng chỉ nhờ thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà cứu được mẹ khỏi địa ngục vô gián.

Chúng ta không thể chỉ dựa vào văn tự trong kinh để trả lời cho câu hỏi này vì kinh Đại thừa thường dùng ẩn dụ mang tính cách triết lý uyên thâm nhằm biểu hiện sự vận hành của tâm thức. Có các ẩn dụ biểu trưng cho thế giới thanh tịnh của chân như và có những ẩn dụ biểu trưng cho thế giới vọng tưởng. Phương tiện thì rất nhiều, lại tùy trường hợp mà thay đổi và vận dụng; còn chân lý mà đức Phật muốn chỉ dạy thì chỉ có một mà thôi.

Kinh Vu Lan và kinh Báo Ân Phụ Mẫu đề cao sự báo hiếu và phương pháp chuyển hóa tâm thức. Mẹ ngài Mục Kiền Liên đã được “cảm hóa” rồi “tự chuyển hóa” các nghiệp xấu ác và phát huy các nghiệp thiện nhờ nương vào thần lực của mười phương Tăng tượng trưng cho một đoàn thể giữ gới thanh tịnh (trong đó có các Thánh Tăng, chư Bồ Tát, những vị chân tu có đạo đức dày, chánh định chơn tâm, và trì giới rất thanh rất tịnh) Kinh khuyên chúng ta phải nương tựa vào đoàn thể giữ giới thanh tịnh trong việc tu tập, hiếu dưỡng phụ mẫu, và làm Phật sự.

Kinh Địa Tạng lấy một vị Bồ tát lớn làm ẩn dụ để giúp chúng ta trở về với bản giác hay chân tâm của mình. Bồ tát Địa Tạng được diễn tả trong kinh này là một biểu tượng được hình dung hóa để chỉ bản thể, hay bản lai diện mục, hay chân tâm của chúng ta. Chân tâm thì vô hình vô tướng, trùm khắp pháp giới, không có thứ gì phá hoại được nên kinh văn nói là “rắn chắc, sâu dày và trùm chứa tất cả”.

Về ẩn dụ Bà La Môn nữ cứu mẹ, kinh giới thiệu cô gái Bà La Môn đức hạnh, nhiều kiếp chứa phước sâu dày. Đức Phật lấy mười nghiệp thiện để chỉ cho chư Thiên, nên kinh văn nói chư Thiên ngày đêm hộ vệ. Muốn đưa tâm ra khỏi mọi khổ đau, thì trước hết phải thực hành giới, định, huệ mà kinh văn dụ cho hương hoa cúng dường: Giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Đây chính là cúng dường chân tâm hay Phật tánh của mình vậy.

Chân tâm được diễn tả ở đây là Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Phật tánh thì không nhiểm ô nên gọi là “Giác Hoa” và vì không bị vọng thức chi phối nên gọi là “Định Tự Tại Vương Như Lai”.  Đức Giác Hoa dạy cô gái Bà La Môn: “Ngươi mau mau trở về nhà, ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sinh của mẹ ngươi”. Trở về nhà là “trở về với tự tánh”, làm cho tâm định trở lại (Định Tự Tại Vương) nên mới thấy rõ những hành tướng của vọng tâm, và những hành nghiệp ở nơi ấy (tức là chỗ thác sinh của mẹ). Niệm suốt một ngày một đêm (nghĩa là tỉnh thức trọn ngày đêm) thì liền thấy mình đứng trên bờ biển kia, tức vượt lên trên ba biển nghiệp được tạo ra bởi thân khẩu ý. Bây giờ nhìn lại biển nghiệp, mới thấy tâm thức bị nung nấu ngày đêm (như nước biển sôi sùng sục), tạo thành những đau khổ hãi hùng (như bị nhiều thú dữ cắn nhai) bay nhảy trên sóng thức (như trên mặt biển) rượt đuổi lẫn nhau. Những cảnh giới địa ngục khác trong kinh đều là ẩn dụ biểu trưng cho những khổ đau của tâm thức. Thánh nữ nhờ nương sức niệm Phật (niệm tự tánh), nên không bị những nghiệp dữ ấy chi phối (không sợ).

Thánh nữ và Vô Độc là biểu trưng cho trí căn bản và trí hậu đắc, hay biểu trưng cho Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Tài Thủ (Giữ gìn gia tài của Phật pháp).  Ý nói khi đưa tâm thức về căn bản trí thì vọng tưởng liền tan biến nên không bị ngoại cảnh xấu ác (như cảnh địa ngục) chi phối. Vì vậy, Vô Độc thưa: “Tội nữ Duyệt Đế Lợi được sanh lên cõi Trời đến nay đã ba ngày rồi. Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.”

Trong kinh, Đức Phật cũng đưa ra câu chuyện Quang Mục cứu mẹ để dụ cho chuyển thức A Lại Da thành Đại Viên Cảnh Trí, thì phải mở mắt sáng nên gọi là quang mục. Nhưng muốn mở khai tuệ giác thì phải chí thành niệm Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, nghĩa là phải trở về với bổn tâm thanh tịnh, làm cho tầm nhìn không bị vướng mắc hai bên (Liên Hoa Mục Như Lai).

Địa ngục từ tâm sinh, thiên đường không ngoài tâm có. Vì vậy, kẻ nào không tin nhân quả, không làm lành mà lại tạo ác, không tin pháp giải thoát giác ngộ, thì chắc chắn kẻ ấy sẽ bị đọa vào đường xấu ác. Nói tóm lại, những hành động do vô minh sai sử (địa ngục); do tham lam, ích kỷ, keo kiết, độc ác, lưu manh điều khiển (ngạ quỉ); do những hành vi thấp hèn đầy thú tính tạo ra (súc sinh), v.v. thì đều chịu những cảnh khổ đau do nghiệp của chúng sinh mà chiêu cảm lấy. Đã gọi là chiêu cảm, thì bất cứ ai tạo ra những nghiệp nhân xấu ác, đều phải chịu cảnh địa ngục hành hình, chứ không thể trốn đâu được. Vì vậy ý nghĩa báo hiếu trong Kinh Vu Lan và Kinh Điạ Tạng có thể tóm lược là trong mọi sự báo hiếu, về vật chất cũng như tinh thần, thì giúp đỡ, khuyến khích, và tạo phương tiện cho cha mẹ hiểu được Chánh Pháp, biết tu thân hành thiện, nỗ lực chuyển hóa những nghiệp nhân xấu ác để hướng đến giải thoát, giác ngộ là đại hiếu.

Kinh Đại thừa thường dùng ẩn dụ có tính cách mầu nhiệm, lạ lùng để biểu hiện sự vận hành của tâm thức. Vì vậy nếu chúng ta không học hỏi, tìm hiểu ý nghĩa của kinh (ý nằm ngoài lời) mà chỉ chú trọng vào văn tự của những ẩn dụ thì tự bản thân chúng ta không thể giải trừ được những chấp thủ sai lầm, cũng như không thể áp dụng được những lời dạy trong kinh, và có thể trở thành mê tín nghĩa là tin những điều không hợp lý và không thuận với luật nhân quả.

Xin xem thêm LƯỢC GIẢI KINH ĐỊA TẠNG trên trang mạng của chùa phần THAM KHẢO/SÁCH HAY.

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white