Chọn trang

NGHIỆP LÀ GÌ?

Từ trước thời Đức Phật, những học thuyết về Nghiệp báo và Tái sanh đã có ở Ấn Độ. Tuy nhiên những học thuyết này còn thiếu sót và thường dựa trên thuyết nhất nguyên thần quyền và một linh hồn bất biến trường tồn của giáo lý Bà La Môn (Brahman). Chính Đức Phật đã giới thiệu lý Duyên sinh để từ đó có thể giải thích đầy đủ và rõ ràng về Luật nhân quả, trong đó Nghiệp báo là Luật nhân quả trong tâm thức và cũng là trọng tâm của sanh tử luân hồi. Phật Giáo phủ nhận cái “duy nhất” và cái “có trước tiên” của thuyết nhất nguyên thần quyền, phủ nhận một linh hồn hay cái Ngã bất biến trường tồn của Bà La Môn, và chủ trương tất cả mọi sự vật hay hiện tượng trong thế gian, bao gồm tâm thức của mọi loài chúng sanh, đều do nhân duyên hòa hợp mà biến hiện theo Luật nhân quả.

Theo đạo Phật, chúng ta không thay đổi được sự vận hành của luật nhân quả trong vũ trụ như nước khi bị nóng thì bốc hơi, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại, v.v., nhưng chúng ta có thể thay đổi Nghiệp báo nghĩa là thay đổi vận mệnh bằng cách tạo thêm những nghiệp nhân tốt, gieo duyên lành, bớt tạo những nghiệp duyên xấu, và chuyển hóa sự vận hành, tạo tác của nghiệp trong tâm thức của mình.

Nghiệp lực không có hình tướng, nhưng nó có những tác dụng vô cùng mãnh liệt mà chúng ta khó cưỡng lại được. Như điện lực, tuy không trông thấy được, nhưng nó là một năng lượng khi đủ điều kiện (nhân duyên) thì tạo ra ánh sáng, sức nóng, hơi lạnh, sức mạnh, v.v. Cũng như vậy, tất cả những hành động của thân tâm chúng ta trong nhiều đời, nhiều kiếp tạo cho mỗi chúng ta một cái nghiệp. Theo Luật nhân quả và lý duyên khởi, cái nghiệp ấy là một năng lượng biến dịch, xoay vần không ngừng nghỉ theo nhân duyên, khi rời cảnh giới này, khi vào cảnh giới khác, trôi lăn trong lục đạo luân hồi mãi mãi cho đến khi chuyển hóa/diệt tận được tham ái, sân hận và si mê (giác ngộ) mới thôi.

Tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp của mình. Định luật nhân quả trong lĩnh vực tinh thần là Nghiệp Báo. Tái Sanh là hệ luận tự nhiên của Nghiệp. Nghiệp Báo và Tái Sanh là hai giáo lý căn bản trong đạo Phật có liên quan mật thiết với nhau (xin xem CẬN TỬ NGHIỆP VÀ THÂN TRUNG ẤM KHI CHẾT VÀ TÁI SANH).

Khi chúng ta làm gì với dụng ý cũng đều tạo ra nhân hay được gọi là nghiệp. Công đức và phước đức là những nhân lành hay nghiệp lành. Phạm giới, mê tín dị đoan, lường gạt, hại người, v.v. tạo ra các nghiệp ác. Nghiệp tồn tại dai dẳng, không bao giờ chấm dứt, nếu chưa giác ngộ. Thời gian từ nghiệp nhân đến nghiệp quả có khi mau khi chậm, có khi chỉ trong một đời, cũng có khi hai đời, có khi nhiều đời. Nhưng dù chậm hay mau, đã gây nghiệp thì thế nào cũng chịu quả báo. Khế kinh có dạy: “giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp nhân đã làm cũng không mất, khi nhân duyên hội ngộ, thì quả báo đến”.

Nghiệp tiếng Phạn là karma, tiếng Pali là kamma có nghĩa là “làm hay hành động”. Trong đạo Phật, nghiệp có những đặc tính dưới đây:

  • Thứ nhất, đó phải là một hành động có chủ ý như đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Này các tỳ kheo! Chính Tư tác (Tác ý tư tâm sở – cetana) là cái mà ta gọi là nghiệp. Bởi vì qua Tư tác, người ta hành động bằng thân, khẩu, ý…”. Tư tác có chức năng điều khiển tâm thức (citta) trong những hành động tốt, xấu, hoặc vô ký, và như vậy đồng nghĩa với nghiệp, Như vậy, một hành động vô tình, vô ý không phải là nghiệp.
  • Như đức Phật dạy ở trên, nghiệp là hành động chứ không phải là kết quả của hành động tạo nghiệp như chúng ta thường hiểu lầm. Chúng ta không nên hiểu nghiệp như hậu quả của một hành động mà người ta phải chịu đựng. Thí dụ như khi bị lường gạt mất một số tiền lớn, người ta thường tự an ủi là mình đang phải trả nghiệp (trả số tiền bị mất này). Điều này không đúng với định nghĩa của nghiệp trong đạo Phật, bởi vì nghiệp chính là hành động chứ không phải là kết quả của nó. Hơn nữa nó không có nghĩa là người lường gạt ta sẽ phải trả lại số tiền này lại cho ta trong đời sau như chúng ta thường nghĩ. Thí dụ như, theo Luật nhân quả, khi trời nóng nước trong hồ bốc hơi, hơi bay lên gặp khí lạnh tụ lại thành mưa, nhưng những giọt mưa này đâu có rơi trở lại cái hồ mà nước nó đã bốc hơi mấy hôm trước. Trái lại, tùy theo nhân duyên, hồ lại có nước từ những nguồn nước khác mưa xuống hay chảy vào.
  • Nghiệp tốt hay xấu không dựa trên tiêu chuẩn đạo đức hay luật pháp nhưng dựa theo sự khổ đau có thể gây nên của tâm trí (dukkha). Theo định nghĩa này, một hành động tốt là một hành động giải thoát tâm trí khỏi khổ đau, và một hành động xấu là một hành động dẫn tới khổ đau cho tâm trí. Một hành động không đem đến sự khổ đau cho tâm trí (không tốt không xấu) không phải là nghiệp, không tạo nghiệp gọi là vô ký. Thí dụ như một người lừa dối người khác để lấy được một số tiền. Trả nghiệp không phải là trả lại số tiền này mà phải trả cái khổ đau trong tâm trí của người bị mất tiền. Hơn nữa, thí dụ như nếu vì số tiền này mà họ không chữa bịnh được nên bị tàn tật cả đời thì trả nghiệp đây, qua Lý duyên khởi, là trả sự khổ đau cả đời của người này và những thân nhân đau khổ vì họ bị tàn tật, v.v. Khi trả nghiệp là trả bằng sự khổ đau tương xứng trong tâm trí của chính mình, và có khi phải trả ở một cảnh giới khác như súc sanh, địa ngục, hay ngạ quỷ, v.v. Cũng vậy, nếu chúng ta giúp đỡ thành lập một ngôi chùa có tu học hay một chương trình tu học để gieo hạt giống giải thoát (diệt khổ) đến với mọi người, nhất là những người chưa biết đến đạo Phật, thì công đức của sự bố thí pháp này rất lớn vì nó có thể đem lợi lạc cho nhiều người và cho nhiều thế hệ.

Vì nghiệp dựa theo sự khổ đau có thể gây nên của tâm trí nên với người có tâm địa hẹp hòi không tu tập thì sự tạo tác của một nghiệp ác nhỏ cũng đủ làm người đó rất khổ sở. Nhưng với một người có tu tập với tâm địa rộng lớn thì sự tạo tác của nghiệp thường không ảnh hưởng nhiều đến họ, bởi nghiệp, nhất là những nghiệp nhỏ, thường không đủ sức chi phối thiện tâm và làm lệch lạc cái thấy biết về nhân quả nghiệp báo của người có tâm địa rộng lớn.

Giúp người và các chúng sanh khác bớt khổ, an vui, hạnh phúc, v.v. tạo ra nghiệp Phước đức hữu lậu. Nghiệp này giúp chúng ta có một đời sống an vui, hạnh phúc, và một tái sanh tốt đẹp đến các cõi trời, người. Cũng những việc phước đức này mà khi làm không có tâm mong cầu, thì cũng tạo được nghiệp công đức.

Tu tập cho mình và giúp người hiểu biết, giác ngộ, giải thoát, mà không mong cầu thì tạo ra những nghiệp Công đức vô lậu. Nghiệp này sẽ giúp chúng ta trên con đường giác ngộ, giải thoát khỏi các khổ của sanh tử, luân hồi. Trong nghiệp công đức cũng có Phước đức.

Tất cả những gì được tạo ra từ Nghiệp được gọi chung là Nghiệp quả (xin xem CÔNG ĐỨC BỐ THÍ NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT). Nghiệp có nghiệp cũ và nghiệp mới, có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Nghiệp cũ là những nghiệp đã tạo ra trong quá khứ gần hoặc lâu xa; nghiệp mới là những nghiệp vừa mới tạo ra trong hiện tại. Nghiệp cá nhân của mỗi con người gọi là biệt nghiệp; những biệt nghiệp giống nhau hoặc gần giống nhau sẽ họp lại thành cộng nghiệp, tạo ra đời sống cộng đồng, xã hội, quốc độ, cảnh giới. Có thể hiểu cộng nghiệp là nghiệp chung của một nhóm người, một tập thể, một cộng đồng, một xã hội, quốc gia, thế giới, nó có sự tương đồng, có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an, và đầy hỷ lạc trong việc tu tập và phụng sự Tam Bảo.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Thị Phước

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white