Chọn trang

NHẬN BIẾT ĐỂ TRÁNH XA MÊ TÍN

Chánh tín đặt căn bản trên trí tuệ đối lại với vô minh là căn bản của mê tín. Niềm tin hợp lý, thuận với luật nhân quả, hợp với lý nhân duyên, và theo đúng Chánh Pháp là Chánh tín. Vì vô minh nên chúng ta thường có tà kiến (không biết sự thật hoặc hiểu sai sự thật) và do sự thúc đẩy của cảm tính hay tham ái (do sự tạo tác của của tham, sân, si, mạn, nghi) nên sinh tâm mê tín.

Tu hành mà mê tín thì cũng giống như một người khát nước giữa sa mạc do ảo giác thấy vũng nước gần mình nên vội đi về hướng đó thay vì dùng bản đồ và la bàn có sẵn trong tay để đi đến một nơi có nước vì thấy phải đi xa hơn. Người mê tín thì dễ bị người khai thác, lừa đảo. Tu hành mà mê tín hay tin theo ảo tưởng (và thường không biết là mình đang mê tín) thì dù cố gắng hay bỏ nhiều công sức cũng khó đạt được kết quả tốt và có khi còn vì mê tín mà tạo những nghiệp xấu ác. Hơn nữa nếu chúng ta mê tín (tin vào những điều không phải do Đức Phật nói ra) thì sẽ không được sự cảm ứng và gia trì của những bậc giác ngộ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật.

Vì vậy người khôn ngoan luôn tránh xa mê tín bằng cách phát nguyện, tạo cơ hội để thân cận Thiện tri thức, nghe Chánh Pháp, Tư duy như lý, bỏ bớt thành kiến, tinh tấn học hỏi, tu tập và thực hành theo lời dạy của chư Phật, chư Tổ.

Phật tử Việt Nam thường đến với đạo Phật qua phong tục, tập quán vì vậy chúng ta luôn quan tâm đến những hình thức bên ngoài như đi chùa, lễ Phật, cầu phước, cúng dường, làm công quả, v.v. Chúng ta thường không chú trọng vào vào mục đích chính của đạo Phật là học hỏi và áp dụng lời Phật dạy (giáo lý) để chuyển hóa tâm thức, tu dưỡng thân tâm, cải thiện hoàn cảnh, thoát khỏi khổ đau, lợi lạc đời này và đời sau cho nên tuy đạo Phật là đạo giác ngộ nhưng Phật tử Việt Nam chúng ta cũng còn nhiều tà kiến và mê tín.

Mê tín có nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ thấp nhất mà chúng ta thường thấy là những tệ trạng mê tín căn bản dễ nhận biết như coi ngày tốt xấu, đồng cốt, lịch số, sao hạn, coi tay, xem tướng, xin xâm, bói quẻ, cúng sao, xem hướng, đốt giấy tiền vàng mã, v.v. mà những người thiếu hiểu biết thường mắc phải. Những tệ trạng này được trình bày trong bài MÊ TÍN, CHÁNH TÍN của Hòa thượng Thích Thanh Từ với mục đích cảnh tỉnh người Phật tử chúng ta về tệ trạng mê tín hoàn toàn không giúp gì được cho chúng ta.

Mê tín rất khó bỏ vì người mê tín không bao giờ nghĩ mình mê tín và luôn cho là mình tin đúng hay có Chánh kiến. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu sẽ thấy đây là do ảnh hưởng của Tập quán nghiệp, nên dù mê tín nhưng chúng ta luôn cho niềm tin của mình là đúng vì thấy nhiều người quanh ta cũng tin như vậy nên cảm thấy yên tâm nhưng đâu biết rằng đây là vì Cộng nghiệp và Tập quán nghiệp làm ta có ảo tưởng này. Đây là một đề tài mà chúng ta có thể suy ngẫm, kiểm thảo, tư duy xem mình và những người thân như trong gia đình hay cùng đạo tràng có mê tín hay không (xin xem ẢNH HƯỞNG CỦA TẬP QUÁN NGHIỆP KHI ĐẾN CHÙA). Nếu chúng ta để ý nhận xét thì sẽ thấy có nhiều dân tộc tin những điều mà chúng ta không thể nào hiểu hay chấp nhận được, nhưng ngược lại đối với họ chúng ta cũng có những niềm tin mà họ không thể nào hiểu được. Chúng ta cũng nhận thấy điều này trong cùng một dân tộc nhưng khác thế hệ. Thí dụ như chúng ta có thể không chấp nhận được những niềm tin của ông bà hay những thế hệ trước của chúng ta. Đây là vì ảnh hưởng của Tập quán nghiệp đến tà kiến và sự mê tín của những người có cùng Cộng nghiệp. Nghĩa là những người cùng sống chung trong một vùng (không gian) và cùng một thế hệ (thời gian) có cùng một Cộng nghiệp nghĩa là lời nói, ý tưởng, và thói quen (thân, khẩu, ý) tương tự như nhau.

Muốn nhận biết mê tín thì chúng ta phải có Chánh tín. Muốn có Chánh tín, chúng ta phải huân tập Chánh kiến bằng cách gần gũi Thiện tri thức, bỏ bớt thành kiến và tinh tấn học hỏi để thấu hiểu và thực hành được lời Phật dạy.

Trong tiến trình tu học của một cá nhân, Chánh tín phải được huân tập qua sự trải nghiệm và kiểm chứng rõ ràng (xin xem phần GIẢI ĐÁP THẮC MẮC về câu hỏi TRẠCH PHÁP LÀ GÌ?). Chánh tín thuộc về Trí tuệ. Ở bậc căn bản, trong cuộc sống, Trí tuệ là hiểu giáo lý (những lời dạy của chư Phật và hiểu lý Kinh). Vì hiểu Phật nên mình mới tin; vì hiểu những gì mình tin, nên niềm tin của mình mới dũng mãnh và tạo được Tín lực (một trong Ngũ lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ). Nếu thực hành được như vậy thì chúng ta đang trên đường huân tập Chánh tín.

Muốn huân tập Chánh Tín thì chúng ta phải có Chánh kiến là sự thấy biết chân chánh, không bị tập quán, thành kiến, tham ái, hay tâm phân biệt, ngăn che và làm sai lạc. Chánh kiến có thể được chia thành 2 loại. Một là hiểu về sự thật hay Chánh kiến tương đối trong cuộc sống như qua sự giao tiếp thấy, nghe, va chạm dù đối tượng là trong thân, tâm, hay cảnh bên ngoài. Hai là Chánh kiến tuyệt đối là thấy và trải nghiệm được sự thật của Bốn Chân Lý (Tứ Diệu Đế).

Chánh kiến là căn bản của Chánh tín. Chúng ta tự kiểm thảo cũng có thể thấy được là nếu chúng ta không biết (thấy, biết, hiểu) giáo lý, thì chúng ta cũng không có tin giáo lý hay những lời dạy của chư Phật, chư Tổ cho lắm. Trường hợp này là thiếu Tín lực nên Chánh kiến không mạnh mẽ, vì vậy chúng ta có thể đang mê tín mà không hề hay biết. Người có Chánh kiến không những biết mình không mê tín mà, qua sự giao tiếp, còn thấy được ai là người mê tín. Chúng ta phải luôn huân tập Chánh kiến và dựa trên giáo lý để tự kiểm thảo mình có mê tín không. Chúng ta phải lưu ý điểm then chốt là người mê tín cũng luôn nghĩ mình có Chánh tín (nhưng đây là vì Tưởng uẩn mà thấy vậy) và những người có niềm tin khác với họ là mê tín.

Người vì không biết hoặc hiểu sai sự thật về Tứ Diệu Đế, Nhân quả nghiệp báo, Lý Duyên Khởi, Con đường giác ngộ, giải thoát nên luôn tin vào những điều không kiểm chứng được (vì nếu kiểm chứng được thì chúng ta đâu còn tin như vậy). Đây gọi là mê tín. Muốn ra khỏi mê tín, chúng ta phải học hỏi và dùng sự hiểu biết kinh điển và lời dạy của Phật, chư Tổ để tự kiểm thảo niềm tin của mình. Nếu không làm được vậy thì sự tu tập của chúng ta không thể có kết quả tốt vì chúng ta đang thể hiện là mình không tin vào lời dạy của Phật và chư Tổ.

Khi tự kiểm thảo niềm tin của mình, chúng ta không thể chỉ dựa vào văn tự trong kinh mà phải nghiên cứu, học hỏi để hiểu lý kinh (ý nằm ngoài lời) vì kinh Đại thừa thường dùng ẩn dụ mang tính cách triết lý uyên thâm nhằm biểu hiện sự vận hành của tâm thức. Có các ẩn dụ biểu trưng cho thế giới thanh tịnh của chân như và có những ẩn dụ biểu trưng cho thế giới vọng tưởng. (xin xem Ý NGHĨA BÁO HIẾU TRONG KINH VU LAN VÀ KINH ĐỊA TẠNG )

Dưới đây là những thí dụ để chúng ta cùng học hỏi và kiểm chứng qua kinh sách của chư Phật, chư Tổ và các bài giảng của các danh Sư:

  • Chúng ta có niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng và luôn nghĩ mình có Chánh tín, nhưng chúng ta lại tin Phật có thể ban phước giáng họa, và Tăng là một thần tượng cá nhân (thay vì Tăng đoàn là một đoàn thể thanh tịnh hay một vị Tăng đại diện cho Tăng đoàn) mà chúng ta, vì muốn được phước, hoặc vì sợ tội, hay vì tình cảm cá nhân, phải tôn sùng và tuyệt đối nghe theo thì đây là mê tín vì niềm tin này không hợp lý và không đúng Chánh Pháp (không thuận với luật nhân quả và không có kinh nào nói chúng ta phải làm như vậy).
  • Chúng ta luôn đi chùa lễ Phật nhưng vì tà kiến (không biết sự thật hoặc hiểu sai sự thật về Tứ Diệu Đế, Nhân quả nghiệp báo, Lý Duyên Khởi, Con đường giác ngộ, giải thoát) nên luôn tin vào những lời bàn, lời giảng mà không có sự kiểm chứng như pháp này dễ tu dễ đạt, pháp tu kia khó tu khó đạt, chỉ nên cúng dường trong phạm vi pháp môn, chùa, đạo tràng của mình thôi, chỉ nên tụng những Kinh này và tuyệt đối đừng tụng những Kinh khác vì như vậy là không có chuyên tu, v.v. Điều tai hại hơn nữa là không những chúng ta tin mà không tư duy, kiểm chứng mà còn coi đây là một sự hiểu biết để dùng nó đi khuyên người khác, và vì quá sốt sắng nên chúng ta tạo nhiều nghiệp xấu mà luôn nghĩ là mình có Chánh tín.
  • Sau một thời gian đi chùa, (vì tham ái nên sinh ra tà kiến) thấy mình trở nên quan trọng hơn trước và đã tạo được nhiều công đức như ngồi thiền được lâu, tụng Kinh hay hơn nhiều người, không bỏ buổi thọ Bát nào, cúng dường nhiều hơn người khác, v.v. Đây cũng là mê tín vì học Phật là để được giải thoát chứ không phải để càng ngày càng vướng mắc, tự mãn. Tu học cũng ví như uống đúng thuốc để trị bệnh tham, sân, si. Tại sao chúng ta lại cảm thấy tự mãn khi thấy mình siêng năng uống nhiều thuốc mà bệnh không giảm?
  • Sau một thời gian niệm Phật và cúng dường rất hào phóng, có người thấy mình ăn nên, làm ra, tậu thêm nhà cửa, v.v., nên nghĩ là mình tu đúng đường và thấy tự mãn và coi thường, bài bác các pháp môn khác. Vì tự mãn, nên người này càng cố gắng để đạt nhiều thành quả hơn như chỉ cúng dường những Thầy xiển dương Pháp môn Niệm Phật và những Thầy tán thán sự cúng dường hào phóng hay sự thành đạt của mình. Người này không dám xem nghe các bài giảng hay đọc kinh sách nào khác ngoài các kinh Tịnh độ vì sợ như vậy là không chuyên tu (nhưng xem nghe ca nhạc, phim ảnh, hay tiệc tùng, du hí, v, v. thì nghĩ là không sao !!!). Đây là vì không hiểu những giáo lý căn bản và nhất là không hiểu thấu và tin sâu nhân quả nên sinh ra tà kiến và mê tín. Trong trường hợp này có thể những gì người này đang hưởng được là sự thọ lãnh những quả nghiệp do chính họ tự tạo tác từ những đời quá khứ. Tuy người này cúng dường rất hào phóng nhưng không đúng lời Phât dạy (xin xem CÔNG ĐỨC BỐ THÍ NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT).
  • Chúng ta siêng năng đi chùa và rất hãnh diện vì trong nhà có một bàn thờ Phật thiết trí sang trọng với những pháp cụ, pháp khí, và vật dụng đắt tiền. Chúng ta thường lau chùi, dọn dẹp và trang trí bàn thờ Phật nhà mình với nhang đèn, nước, hoa và trái cây rất đẹp khi có chư Tăng Ni đến làm lễ hay hay bạn bè đến thăm. Trong những ngày không có ai đến nhà thì bàn thờ Phật thường không được chúng ta để ý đến. Đây là tu để được khen hay vọng ngoại chứ không phải tu tâm.

Mê tín bất lợi cho việc hoằng Pháp nhất là ở Mỹ là một nước văn minh có trình độ hiểu biết cao. Nếu những sinh hoạt Phật Pháp của người Việt chúng ta ở Mỹ có những tập quán không hợp lý (với xã hội Mỹ), không thuận với luật nhân quả, không hợp với lý nhân duyên và không theo đúng Chánh Pháp, thì chúng ta khó có thể giảng cho con cháu chúng ta và người Mỹ hiểu về sự tu tập, hành trì của mình và vì vậy khó gây được niềm tin ở họ. Như đã trình bày trong phần GIẢI ĐÁP THẮC MẮC về câu hỏi LÀM SAO ĐỂ HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP TẠI MỸ?, Phật pháp luôn đầy đủ “Thể, Tướng, Dụng”. Thể (hay thể tánh) là bản chất nội hàm, Tướng là hình dáng bên ngoài, Dụng là lợi ích của mỗi pháp. Nặng về Tướng và Dụng thì dễ bị rơi vào tà kiến và mê tín và xa dần với phẩm chất giải thoát của Thể, nên Thể không còn hiệu dụng nữa. Giới trẻ và người Mỹ, tuy có khuynh hướng khoa học thực dụng, nhưng thường đến với đạo Phật vì Thể (thể tánh giải thoát của các Pháp) và Dụng. Vì vậy muốn hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ thì chúng ta phải thay đổi phương pháp giáo dục chú trọng vào Thể và Dụng.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an, đầy hỷ lạc khi tu tập và hộ trì Tam Bảo.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Thị Phước

Chùa Ngàn Phật

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white