Chọn trang

LIÊN HỆ GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA

Hiện nay có rất nhiều bài viết về sự khác biệt giữa Phật Giáo Tiểu Thừa và Phật Giáo Đại Thừa. Bài viết ngắn này tóm tắt những điểm tương đồng và những mối quan hệ mật thiết giữa Phật Giáo Tiểu Thừa và Phật Giáo Đại Thừa đã góp phần bảo tồn và phát triển Phật Giáo trong hơn 2,500 năm qua. Hy vọng nó có thể giúp chúng ta, nhất là giới Phật tử tại gia, vững niềm tin hơn trên bước đường tu học.       

Nguồn gốc của đạo Phật bắt đầu từ khi Đức Phật đản sanh cách đây khoảng 2,600 năm. Sau khi thành đạo, Đức Phật thuyết pháp đáp ứng nhu cầu tâm linh của từng người không phân biệt giai cấp. Những gì Ngài thuyết giảng lúc đó được gọi là Phật ngôn.

Sau khi Ðức Phật thành lập giáo hội Tỳ Kheo tăng và Tỳ Kheo ni, Ngài đặt ra những giới luật gọi là Luật (Vinaya) để bảo vệ giáo hội. Những lời giảng dạy của Ngài cho chư Tăng Ni và Phật tử tại gia được được lưu giữ và truyền lại cho chúng ta gọi là Pháp (Dhamma).

Từ đó, Phật Giáo ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới và ngay cả ở những nước có nền khoa học tiên tiến như Mỹ và Tây Âu. Lịch sử của Phật giáo được chia làm ba thời kỳ:

  • Phật Giáo Nguyên Thủy (thuật ngữ này được dùng để chỉ thời kỳ trước khi Tăng đoàn phân chia, và cũng là tên gọi của Trưởng lão bộ) gồm những giáo lý do chính Đức Phật giảng dạy khi Ngài còn tại thế.
  • Phật Giáo Bộ Phái (khởi đầu là Trưởng lão bộ và Đại chúng bộ, sau đó từ 2 bộ phái đầu tiên này đã hình thành ra khoảng 18 bộ phái), bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ thứ 4 trước Tây Lịch, gồm những giáo lý đã được khai triển từ những giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy.
  • Phật Giáo Phát Triển (trước đây gọi là Đại thừa để dễ phân biệt với Tiểu thừa mà hiện nay không còn tồn tại), được hình thành khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch, gồm những giáo lý đã được khai triển từ những giáo lý của Phật Giáo Bộ Phái và Phật Giáo Nguyên Thủy,

Như vậy, Phật Giáo Phát Triển đã được hình thành từ Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Bộ Phái. Là Phật tử, chúng ta nên tìm hiểu, học hỏi thêm về sự liên hệ giữa Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển để giúp chúng ta lựa chọn những giáo lý và phương tiện tu tập hợp với mình. Để góp phần bảo tồn và phát triển đạo Phật, chúng ta không nên chấp trước, tranh luận, bài bác những sự khác biệt giữa Phật Giáo Nguyên Thủy (thường bị gọi lầm là Tiểu thừa) và Phật Giáo Phát Triển (Đại thừa).

Là Phật tử, chúng ta đừng nhầm lẫn Tiểu thừa (Hinayana) với Trưởng lão bộ (Theravada). Phật giáo Trưởng lão bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỹ thứ 3 trước Tây lịch. Bộ phái Tiểu thừa chỉ phát triển ở Ấn độ và hoàn toàn độc lập (không phải đạo Phật ở Tích Lan). Hiện nay bộ phái Tiểu thừa không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Do đó, năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB), khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ “Tiểu thừa” phải được xóa bỏ vì nó không có liên quan gì với Phật Giáo Nguyên Thủy ngày nay ở Tích lan, Thái lan, Miến điện, Campuchia, Lào, v.v.

Một số Phật tử Phật Giáo Phát Triển (Đại thừa) cho rằng Phật Giáo Nguyên Thủy (thường bị gọi lầm là Tiểu thừa) là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi và ngược lại một số Phật tử Phật Giáo Nguyên Thủy lại cho rằng có một số giáo lý của Phật Giáo Phát Triển là ngụy tạo. Những sự chấp trước, tranh luận, bài bác này có thể gây bất lợi cho sự bảo tồn và phát triển Phật Giáo.

Dựa trên lịch sử, kinh điển và bài viết “Theravada & Mahayana Buddhism” của Hòa Thượng Tiến sĩ W. Rahula thì có rất nhiều điểm tương đồng và những mối quan hệ mật thiết giữa Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển như:

  • Cả hai trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển đều không chấp nhận có một đấng tối cao như Thượng đế sáng tạo ra thế giới và sinh ra loài người.
  • Nếu nhìn đạo Phật như một tôn giáo, thì cả hai đều công nhận Đức Bổn Sư Thích Ca là Giáo Chủ.
  • Cả hai đều hiểu giống nhau về Lý duyên khởi.
  • Cả hai đều hiểu giống nhau về Tứ diệu đế (Tứ thánh đế).
  • Cả hai có nhiều điểm tương đồng về Bát chánh đạo.
  • Cả hai chấp nhận Ba bản chất của sự sống (Khổ, Vô thường, Vô ngã).
  • Cả hai không có sự khác biệt nào về Ba phần tu học (Giới, Định, Tuệ).

Mẫu người lý tưởng của Phật Giáo Phát Triển là tu tập với chí nguyện thành đạt Đạo Quả Chánh Giác, và thực hành Bồ Tát Đạo để độ tất cả chúng sinh được giải thoát. Trong khi giáo lý và sự hành trì trong Phật Giáo Nguyên Thủy chú trọng vào sự giác ngộ, vào dòng Thánh Đạo, và đắc Quả A La Hán, và nếu đủ nhân duyên thì giảng dạy giáo lý mình đã chứng ngộ cho người.

Vì Phật Giáo Phát Triển đã được hình thành từ Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Bộ Phái nên trong kinh A Di Đà, là một bộ kinh rất phổ biến của Phật Giáo Phát Triển, có một đoạn diễn tả về Pháp môn tu tập của Phật Giáo Nguyên Thủy ở cõi Cực Lạc: “Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cọng Mạng; những giống chim đó, ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói Pháp mầu như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, vân vân……. Những giống chim đó do Đức Phật A Di Đà muốn cho tiếng Pháp được tuyên lưu mà biến hóa ra.” Đoạn kinh này diễn tả những Giáo Pháp nằm trong 37 Phẩm trợ đạo của Phật Giáo Nguyên Thủy là Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần đang được diễn nói ở cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Trong kinh còn có đoạn “Xá Lợi Phất! Lại Đức Phật đó có vô lượng vô biên Thinh Văn đệ tử đều là bậc A La Hán, chẳng phải tính đếm mà biết được, hàng Bồ Tát cũng đông như thế.” Như vậy là trên thế giới Cực Lạc có rất nhiều Thanh Văn đệ tử đều là bực A La Hán (theo sự hiểu biết dựa theo kinh điển của chúng ta thì những vị này tu theo Phật Giáo Nguyên Thủy) và hàng Bồ Tát (theo sự hiểu biết dựa theo kinh điển của chúng ta thì những vị này tu theo Phật Giáo Phát Triển) cũng rất đông. Từ những đoạn kinh này, chúng ta có thể có thể thấy được lý kinh là Phật Giáo Nguyên Thủy hay Phật Giáo Phát Triển là do tâm nguyện của người con Phật chứ không hẳn do nơi Pháp môn.

Đứng trên quan niệm là nếu mình muốn tự cứu mình và cứu được nhiều người khỏi chết đuối dưới sông thì mình phải biết bơi rất giỏi trước đã. Cũng như vậy, người Phật tử tu theo Phật Giáo Phát Triển, nếu có hoàn cảnh và điều kiện, cũng nên tu tập thêm giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy (xin xem TÌM HIỂU VÀ THỰC HÀNH VĂN TƯ TU). Điều này không có gì trở ngại vì Đức Phật dạy nước bốn biển chỉ có một vị mặn; cũng vậy, pháp Phật tuy có rất nhiều pháp môn nhưng chỉ có một vị giải thoát mà thôi.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an, và đầy hỷ lạc trong việc tu tập và phụng sự Tam Bảo.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Thị Phước

Chùa Ngàn Phật

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white