TẠI SAO NIỆM PHẬT KHÔNG VÃNG SANH
TRÍCH CÁC BÀI GIẢNG CỦA PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
Trong suốt 30 năm, Pháp Sư Tịnh Không giảng mấy mươi loại kinh, luận Ðại Thừa. Pháp Sư học rộng, hiểu nhiều, thâm nhập Kinh Tạng, hiểu rõ Thiền lẫn Mật, nhưng lại chuyên chú nơi Tịnh Nghiệp.
Dưới đây là những trích đoạn của một số bài giảng của Pháp Sư được coi là kim chỉ nam để giúp chúng ta, nhất là các Phật tử tại gia, có được chánh kiến và lợi ích thiết thực trong việc hành trì pháp môn niệm Phật.
Thị Phước
NIỆM PHẬT KHÔNG THỂ VÃNG SANH, NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Niệm Phật mà không thể vãng sanh, nguyên nhân do đâu vậy? Nguyên nhân là do bạn không buông xả, trong tâm vẫn còn những việc lo lắng bồn chồn, ngoại duyên vẫn bị đủ thứ cám dỗ. Trong ngoài đều không thanh tịnh thì niệm Phật không thể vãng sanh. Cho nên, người tu đạo sống càng đơn giản càng tốt.
(Trích từ bài giảng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 16)
TU HÀNH BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Nếu như là có miệng không có tâm, chỉ làm trên hình thức, Kinh văn lướt qua ngoài cửa miệng, thì bạn có lỗi với Phật Bồ Tát, có lỗi với chính mình, bạn ở nơi đó là giả không phải là thật.
(Trích từ Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Giải – Dĩa 186)
TU TỪ CĂN BẢN
Chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình, phát hiện lỗi lầm của chính mình, đây chính là khai ngộ. Người giác ngộ, sau khi ngộ rồi, đáng quý nhất là phải tu hành. Tu hành là tu sửa lỗi lầm của chính mình, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình. Tu hành không chỉ là niệm Phật tụng kinh, không phải vậy. Việc tụng kinh niệm Phật là phương pháp tu hành. Người chân thật tu hành phải hiểu được là đem hành vi sai lầm của mình cải đổi lại.
(Trích từ bài giảng Thập Thiện Nghiệp Đạo – Tập 80)
PHẢI THẬT SỰ TU
Dẫu quý vị niệm kinh nhiều cách mấy, mỗi ngày niệm tám tiếng đồng hồ, lạy Phật dẫu nhiều đến mấy, mỗi ngày lễ mười vạn lạy, nhưng nếu hành vi nơi thân, miệng, ý của quý vị vẫn y hệt như cũ thì chẳng có chút hữu dụng nào! Hàn Sơn và Thập Đắc đã chê cười kẻ niệm Phật: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”, vì sao? Miệng có, tâm không!
BẠN ĐÃ BƯỚC CHÂN VÀO CỬA PHẬT CHƯA?
Điều kiện để học Phật tôi thường hay dùng 16 chữ: “buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh vọng lợi dưỡng, buông bỏ năm dục sáu trần, buông bỏ tham-sân-si-mạn”, thì bạn mới có thể học Phật, bạn mới có thể vào cửa. Nếu như trong mười sáu chữ này nếm phải một chữ thì bạn không thể vào được cửa.
(Trích từ bài giảng Hoa Nghiêm Áo Chỉ – Phần 23)
LẤY GIỚI LÀM THẦY, LẤY KHỔ LÀM THẦY
Ở trong kinh Phật thường nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy là gốc năm đường đọa địa ngục”. Bạn đem ngũ dục buông xả hết, thì gốc của địa ngục dứt sạch. Gốc kiên cố này, nếu như không đoạn hết thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Phật dạy đệ tử, không những là “lấy giới làm thầy” mà còn phải “lấy khổ làm thầy”, ý này rất sâu. Đời sống khổ thì dễ có tâm xuất ly, đối với thế gian này không có lưu luyến. Đời sống quá thoải mái, quá dồi dào, chúng ta sẽ lưu luyến đối với thế gian này, không muốn xa lìa thế gian thì không thể vãng sanh.
(Trích từ bài giảng Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 15)
TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC LÀ NỀN TẢNG CỦA TỊNH ĐỘ
Năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, đem pháp môn [Tịnh Độ] này [lần đầu] truyền cho phu nhân Vi Đề Hy. Bà mong muốn vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mong muốn Thế Tôn khai đạo cho bà là đi bằng cách nào? Thế Tôn dạy cho bà cách tu như thế nào? Trước tiên dạy bà tu “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, đây là nền tảng. Vậy ngày nay chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh, người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh rất ít, vấn đề này do đâu? Quên mất đi Tịnh Nghiệp Tam Phước. Đây là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất. Cho nên ngày ngày niệm một câu A Di Đà Phật, nhưng phải có cái nền tảng của Tịnh Nghiệp Tam Phước, không có cái nền tảng này thì không được. Tam Phước, điều thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười thiện nghiệp”. Chúng ta có làm được hay không?
(Trích từ bài giảng Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán – Tập 30)
CẦN PHẢI NHÌN THẤU, BUÔNG XẢ! (rất quan trọng)
“BUÔNG XẢ” NGHĨA LÀ BUÔNG VỌNG TƯỞNG, PHÂN BIỆT, CHẤP TRƯỚC TỪ NƠI TÂM Ý, KHÔNG PHẢI BUÔNG BỎ CÔNG VIỆC BẠN ĐANG LÀM.
Chúng ta từng giây từng phút phải nhớ kỹ “nhìn thấu, buông xả”. Tâm vừa động niệm, muốn nghĩ thế này, thế kia, chúng ta lại không có nhìn thấu, lại buông không được rồi. Nhìn không thấu, buông không được thì vĩnh viễn ở ngoài cửa Phật, chưa vào cửa, chưa nhập môn, cho nên niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Thật sự muốn vãng sanh thì phải nhìn thấu, phải buông xả, thật thà niệm Phật, thì người này mới có thể thật sự vãng sanh. Niệm niệm vì người khác, dứt khoát không nên có một niệm vì bản thân.
(Trích từ Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ giảng ký – Tập 122)
PHẬT, BỒ TÁT, THIỆN THẦN KHÔNG TRỌNG HÌNH THỨC TU HÀNH CỦA BẠN
Tu hành chính là y chiếu theo giáo huấn của Phật Đà, mà tu sửa hành vi của chúng ta, đó gọi là tu hành. Nhất định phải làm cho được những gì Phật dạy chúng ta ở trên kinh, đây gọi là tu hành, ví dụ như Phật dạy chúng ta không sát sanh. Trước khi chưa có học Phật, nhìn thấy con kiến dù vô tình hay cố ý thì bạn sẽ rất dễ dàng giết chúng, ở trong nhà nhìn thấy nào là gián nào là chuột, bạn nhất định sẽ giết hại chúng, chúng đến quấy nhiễu hoàn cảnh cuộc sống chúng ta, thường nhìn thấy nhất là muỗi cắn đốt bạn đập một cái nó chết ngay, thì giết nó, là sát sanh rồi, tu hành chính là tu chính những hành vi này, những hành vi này là sai, con muỗi bay đi khắp nơi kiếm ăn cũng giống như con người, chúng ta cũng ở bên ngoài đi mưu sinh kiếm sống, mưu sinh không có phạm tội, cho nên con muỗi chích chúng ta một cái thì không phạm tội, không phạm tội chết, nếu bạn không bằng lòng cúng dường nó, không sẵn lòng bố thí, thì bạn đuổi nó đi là được rồi, đâu có cái quyền được giết nó. Chân tu hành, không ở tại hình thức, có hình thức không có thực chất, thì không có tác dụng, có thực chất không có hình thức, thì vẫn có được chư Phật hộ niệm thiện thần bảo hộ, Phật Bồ Tát thiện thần coi trọng thực chất không trọng hình thức, cái đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu.
(Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Tập 246)
KHÔNG HÀNG PHỤC PHIỀN NÃO THÌ NHẤT ĐỊNH KHÔNG THỂ VÃNG SANH
Hàng phục phiền não dễ hơn nhiều so với đoạn phiền não, bạn có thể hàng phục được phiền não không để cho nó khởi tác dụng thì được rồi. Nhưng nếu bạn không nỗ lực công phu, nếu bạn không xem nhẹ thế duyên thì bạn không làm được. Cho nên, người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh không nhiều, nguyên nhân chính ngay chỗ này.
(Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Tập 23)
NGUYÊN NHÂN VÌ SAO NIỆM PHẬT KHÔNG CẢM ỨNG ĐƯỢC VỚI PHẬT ?
Chúng ta có thể làm được bốn câu “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Nếu như bạn không làm được bốn câu này thì cho dù một ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu Phật, nhưng một lời A Di Đà Phật cũng không nghe thấy, vì bên trong có chướng ngại, đường điện tín không thông.
MỤC ĐÍCH THỨ NHẤT CỦA PHẬT ĐÀ LÀ DẠY CHÚNG TA ĐOẠN ÁC TU THIỆN.
Tổ sư đại đức nói với chúng ta: “Thế giới Cực Lạc là vạn người tu vạn người đi”, Nếu như chúng ta không đoạn ác, không tu thiện, bạn ở trong niệm Phật đường niệm Phật 24 giờ đồng hồ vẫn là không thể vãng sanh.
(Trích từ Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ – Phần 63)
TÂM PHẢI THIỆN MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “các bậc thượng thiện đều hội về một chỗ “, tâm hạnh của bạn bất thiện thì làm sao có thể đi được? Không nên cho rằng Pháp môn này không linh, tôi tu cả đời, niệm Phật cả đời, hàng ngày lạy Phật, hàng ngày niệm Phật, đến lúc lâm chung vẫn không thể vãng sanh, Thật sự mong cầu Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì mảy may ác ý cũng không được phép có.
CÔNG PHU CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY KHÔNG CÓ LỰC LÀ DO NGHE KINH QUÁ ÍT.
Phật nói không hề sai, thứ nhất nghe kinh quá ít, nguyên nhân thứ hai là từ vô thỉ kiếp đến nay phiền não tập khí quá nặng, cho nên bạn vẫn cứ là không thể thâm nhập được pháp môn, nguyên nhân chính ngay chỗ này.
(Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Tập 73)
PHƯƠNG PHÁP NIỆM KINH
Niệm kinh gì? Chúng ta tu Tịnh Độ, mong mỏi quyết định vãng sanh thế giới Cực Lạc trong một đời này, tốt nhất là đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh. Trong ngũ kinh, quý vị thích niệm bộ nào cũng được, công đức đều như nhau. Quý vị thật sự niệm đúng pháp, càng niệm kinh, vọng tưởng nhất định càng ít, vọng tưởng càng ngày càng ít, tâm càng ngày càng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh bèn sanh trí huệ, trí huệ ngày càng tăng tấn, sẽ có hiện tượng này. Chúng ta tu hành công phu không có lực cho nên phải mỗi giờ mỗi phút đi khám nghiệm; vì vậy có hai buổi công phu sớm tối. Nếu thật làm, khóa sớm bạn đích thực ghi nhớ giáo huấn của Kinh văn ở trong tâm, khóa tối khi mở Kinh văn ra từng điều từng điều chân thật phản tỉnh kiểm điểm: “Phật dạy chúng ta làm, chúng ta có làm hay chưa? Dạy chúng ta không được phép làm, chúng ta có vi phạm hay không?”. Như vậy mà làm khóa sớm tối bạn mới xứng đáng được với Phật Bồ Tát.
MUỐN CẦU PHẬT, BỒ TÁT CẢM ỨNG PHẢI LÀM SAO?
Quý vị muốn cầu Phật, Bồ Tát cảm ứng, cũng phải dùng cái tâm thanh tịnh mới hòng cảm ứng. Tâm chẳng thanh tịnh, có muốn cầu cũng chẳng cầu được! Chuyện này chẳng thể miễn cưỡng!
(Trích từ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Tập 44)
PHẬT TÂM KHÔNG GIÁN ĐOẠN
Gốc bệnh đều ở vọng tưởng. Cho nên không thể xen tạp vọng tưởng, cho đến không gián đoạn. Vậy khi không niệm Phật, không phải là gián đoạn hay sao? Phật hiệu là gián đoạn rồi, nhưng Phật tâm không được gián đoạn. Phật tâm là gì? Mỗi niệm lợi ích chúng sanh, mỗi niệm lợi ích xã hội, đó là Phật tâm. Nếu như có một niệm vì chính mình thì đó là xen tạp, đó không phải là Phật tâm. Không có một niệm nghĩ đến chính mình, chính là bạn chân thật làm đến được không gián đoạn.
(Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Tập 130)
ĐỊNH LÀ TÂM THANH TỊNH
Định là gì? Định là tâm thanh tịnh. Bố thí tuyệt đối không nhận báo thì tâm mới được thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh phước báu bao lớn? Vì tâm lượng của bạn rộng lớn không có chướng ngại, cho nên phước của bạn to lớn. Cái phước đó cũng hư không khắp pháp giới. Đạo lý quan trọng này ở trên kinh đại thừa.
(Trích từ Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ – Phần 26)
TỊNH NIỆM LIÊN TỤC
Một câu A Di Đà Phật muốn niệm tốt thì bạn phải rõ lý, phải hiểu được “Kinh Vô Lượng Thọ”. Pháp môn này là pháp môn Tịnh Độ, “tâm tịnh thì cõi tịnh”. Cho nên chúng ta phải suy xét nhiều, nếu tâm của chúng ta không tịnh, tuy là tu học pháp môn này, cũng chỉ là trồng xuống một chút thiện căn mà thôi, ngay trong đời này không thể thành tựu.
(Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Tập 182)
PHẢI TỰ ĐỘ MÌNH TRƯỚC
Muốn giáo hóa chúng sanh (thông thường chúng ta gọi là độ chúng sanh), trước phải tự độ chính mình. Độ chính mình còn không được mà nói có thể độ chúng sanh, đây là trên Kinh Phật thường nói “không có việc này”, không có đạo lý này. Làm từ buông xả tự tư tự lợi, làm từ chỗ này. Nếu như vẫn còn ý niệm tự tư tự lợi thì chính mình không thể được độ. Chính mình không thể được độ mà còn muốn độ người khác, đích thực là không thể làm được.
(Trích từ bài giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Tập 160)
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC
Phật dạy chúng ta nhất định phải tu tích công đức. Trong công đức tự nhiên có phước đức. Trong phước đức không có công đức. Công đức phải tu bằng cách nào? Đề kinh nêu rõ: “Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác”, hay nói cách khác, việc tu học của chúng ta phải tương ưng với “Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác”, đó chính là công đức. Chúng ta trì giới, ngay trong giới được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, thì giới của chúng ta liền có công. Tâm thanh tịnh là định, tu định có công, khai trí tuệ chính là đức. Tu định nếu không thể khai trí tuệ thì cái định đó chỉ là phước báu.
(Trích từ bài giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ – Phần 37)
CUỘC SỐNG THỜI NAY KHẨN TRƯƠNG, ÁP LỰC TRẦM TRỌNG, CÔNG VIỆC BẬN BỊU Ồ ẠT KÉO ĐẾN QUẤY NHIỄU , CHÚNG TA PHẢI TU TẬP LÀM SAO ???
Trong thời đại hiện tại, cuộc sống khẩn trương, áp lực trầm trọng, công việc bận bịu, chúng ta dùng phương pháp và thái độ nào để học Phật? Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, đã nêu một tấm gương tốt cho chúng ta. Đãi người tiếp vật “ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm bất động”, sẽ niệm một câu Phật hiệu tốt đẹp, niệm Phật hiệu đắc lực.
(Trích từ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa -Tập 75)
TRONG MƯỜI HAI THỜI, NIỆM MỘT CÂU PHẬT HIỆU CHẲNG GIÁN ĐOẠN ,LÀ PHẬT TỬ TẠI GIA PHẢI HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG
Trong mười hai thời, một câu Phật hiệu chẳng gián đoạn. Nay quý vị hằng ngày phải làm việc, hằng ngày phải bươn chải kiếm sống. A! Quý vị cũng liều mạng niệm Phật, suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, lại còn nghĩ phải làm việc. Rốt cuộc là Phật chẳng niệm ra gì, mà công việc cũng chẳng ra làm sao! Pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều không xong, trật lất rồi! Các đồng tu tại gia có rất nhiều công chuyện, trong khi quý vị làm việc phải buông niệm Phật xuống để chuyên tâm làm việc. Đừng nên hiểu lầm “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm bất loạn là xử sự, đãi người, tiếp vật, bất luận làm chuyện gì, đều là nhất tâm, chuyên tâm. Lại thưa cùng quý vị, niệm Phật “niệm niệm tiếp nối, chẳng gián đoạn” thì trong mỗi niệm sẽ là niệm gì? Là giác niệm, chánh niệm, thanh tịnh niệm. Một câu A Di Đà Phật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác, A là vô, Di Đà là lượng, Phật là giác. Chúng ta thứ gì cũng đều giác chứ không mê, đó chính là A Di Đà Phật; chúng ta chẳng niệm câu Phật hiệu cũng là niệm Phật. Chúng ta giác chứ không mê, thứ gì cũng đều giác chứ không mê. Xử sự, đãi người, tiếp vật, ta đều chẳng mê, chẳng tà, chẳng nhiễm, một câu Phật hiệu cũng chẳng niệm mà người ấy được gọi là người thật sự niệm Phật. Do vậy, hễ có nghi hoặc nhất định phải hỏi, quyết định phải học Phật, đừng học theo bàng môn ngoại đạo.
(Trích từ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa -Tập 78)
NẾU CÀNG HỌC PHẬT, CÀNG NGẠO NGHỄ, NGÃ MẠN, CÀNG CẢM THẤY CHÍNH MÌNH PHI PHÀM, PHIỀN PHỨC LỚN LẮM, CHẲNG NHỮNG KHÔNG THỂ VÃNG SANH, MÀ SỢ RẰNG TRONG ĐỜI NÀY, CÒN CHUỐC PHẢI MA CHƯỚNG
Phiền não tập khí quá sâu, quá nặng, chẳng thể sửa đổi trong một sớm, một chiều, nhưng nhất định phải thay đổi. Thay đổi là gì? Mỗi năm một nhẹ hơn, mỗi tháng một nhẹ hơn, đó là hiện tượng tốt. Nếu hoàn toàn chẳng thay đổi, chắc chắn vãng sanh bị chướng ngại. Nếu càng học Phật, càng ngạo nghễ, ngã mạn, càng cảm thấy chính mình phi phàm, phiền phức lớn lắm, chẳng những không thể vãng sanh, mà sợ rằng trong đời này, còn chuốc phải ma chướng.
(Trích từ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Tập 77)
BỆNH TỰ KHEN MÌNH, CHÊ NGƯỜI
Chánh kinh:
世尊。我從今日。至未來際。若自贊嘆。於他毀呰。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu khen ngợi mình, chê bai người khác, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đây là chứng bệnh chúng ta thường phạm: Tự khen mình, chê người. Học Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ. Hiện tại chúng ta học pháp môn Tịnh Độ, biết là pháp môn Tịnh Độ thù thắng bậc nhất, các pháp môn khác chẳng sánh bằng. Nói như vậy là phạm vào lỗi “khen mình, chê người”. Tuy lời lẽ ấy, trong kinh điển ta thấy có lúc Phật cũng nói, tổ sư đại đức cũng thường giảng, nhưng các Ngài có ý riêng: Nhằm khuyến khích, cổ võ những người cùng tu pháp môn này, chứ chẳng phải là lời nói quyết định đối với bên ngoài, đặc biệt là ở những đạo tràng thuộc tông phái hay pháp môn khác biệt, càng chẳng nên nói.
Bởi lẽ, chúng sanh căn tánh bất đồng, bọn họ là căn tánh học Thiền, họ tham Thiền cũng được thành tựu, họ niệm Phật chẳng thành tựu. Giống như bệnh nhân, mỗi người mắc bệnh mỗi khác, cho nên dùng thuốc khác nhau, chỉ cần họ uống thuốc nào bèn lành bệnh, uống vô là hết bệnh thì thuốc ấy có lợi ích chân thật, hiệu quả chân thật. Đấy là kiến thức thông thường người học Phật chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta gặp người học Thiền, nhất định phải khen ngợi tham Thiền, gặp người học Giáo, nhất định phải khen ngợi học Giáo; khuyến khích họ, giúp đỡ họ thì mới là đúng. Trọn chẳng được phỉ báng, phỉ báng là sai lầm. Các vị nói Thiền chẳng tốt thì Thiền là do Thích Ca Mâu Ni Phật truyền dạy, chẳng phải là quý vị báng Phật hay sao?
Đã báng Phật ắt sẽ báng Pháp, cũng phỉ báng luôn người tham Thiền, vậy là quý vị báng Phật, báng Pháp, báng Tăng! Quý vị phỉ báng Tam Bảo, dù có niệm Phật giỏi đến đâu cũng chẳng được vãng sanh. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ, cho thật minh bạch, trọn chẳng phạm lỗi khen mình chê người.
(Trích từ bài giảng Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh – Phần 1)
HÌNH TƯỚNG ĐỌA LẠC
Hình tướng đọa lạc, xin nói với các vị, ngay hiện tiền liền thấy được. Chúng ta xem qua gương, xem xem chính mình có giống một con người hay không? Tỉ mỉ xem qua là tướng người hay là tướng quỷ? Tướng người là gì vậy? Năm giới mười thiện đều làm được là tướng người. Năm giới mười thiện không làm được, tham danh, tham sắc, tham lợi, tham là tướng quỷ; sân hận đố kỵ là tướng địa ngục; ngu si, ngay đến tà chánh, phải quấy, thiện ác, lợi hại đều không làm rõ ràng thì là tướng súc sanh. Cho nên sự việc tu hành này nói khó thì thật khó, nói dễ cũng rất dễ, khó dễ đều ở nơi một niệm của chính mình, khắc phục được phiền não tập khí của chính mình thì không khó, tùy thuận phiền não tập khí của chính mình thì quá khó, vô cùng khó.
(Trích từ Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ giảng giải – Tập 122)
THẾ NÀO LÀ SÁM HỐI ?
Đem sai lầm sửa đổi lại, bắt đầu từ hôm nay ta không phạm cái lỗi lầm này nữa, đây mới là chân sám hối. Cho nên thiện tri thức chân chánh, các Ngài rõ lý, phải trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Bản thân chúng ta tu hành không ở hình thức mà ở trong nội tâm phải thật sự giác ngộ. Nội tâm không giác ngộ, không quay đầu, thì hình thức làm đẹp đi nữa cũng không có ích lợi gì, không giúp được gì, không chuyển nổi nghiệp báo. Cho nên từ trong nội tâm chúng ta phải phát nguyện làm một người tốt.
(Trích từ Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 42)
CỦA CẢI ĐỂ Ở NƠI ĐÂU SẼ CÓ LỢI TỨC LỚN NHẤT?
Người thật sự hiểu đạo lý này thì của cải để ở nơi đâu sẽ có lợi tức lớn nhất? Thưa cùng quý vị, bố thí hết thảy chúng sanh sẽ có lợi tức lớn nhất. Tài, Pháp, Vô Úy, ba thứ bố thí này luôn “tuy một mà ba, tuy ba nhưng là một”. Ví như in kinh thì in kinh cần phải có tiền, Tài Bố Thí đấy. Kinh điển là pháp, Pháp Bố Thí đấy! Người khác chiếu theo pháp đó tu hành, đấy là Vô Úy Bố Thí. Tu một thứ bố thí bao gồm ba thứ bố thí, đó gọi là công đức bố thí viên mãn. Nhất định phải hiểu đạo lý này.
(Trích từ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Tập 42)
BỐ THÍ BA LA MẬT
Làm thế nào tu bố thí? Tâm địa đối với thế xuất thế gian pháp một trần không nhiễm, một tí không dính, bố thí Ba La Mật của bạn liền tu được viên mãn. Nếu như không thể thì là tu phước.
(Trích từ bài giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ – Phần 56)
NÓI ĐẾN VIỆC BỐ THÍ VÔ ÚY THÌ VIỆC ĂN CHAY RẤT QUAN TRỌNG!
Người nông thôn giết heo bán thịt là chuyện thường ngày. Trước khi giết heo, người ta nắm lỗ tai heo và nói: “Heo ơi, ngươi đừng trách ta. Ngươi là món ăn nhân gian, họ không ăn thì ta không giết làm gì. Cho nên ngươi hãy đi tìm người ăn mà đòi mạng”. Họ đem tất cả trách nhiệm đổ cho người ăn, tội lỗi đều ở người ăn thịt. Cho nên chúng ta cần phải ăn chay, không ăn thịt chúng sanh, đó chính là vô uý thí. Cần bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình, quyết không tổn hại bất cứ một chúng sanh nào.
(Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Phần 11)
PHẢI TẠO THÓI QUEN TỐT
Chúng ta người học Phật trong thường ngày phải tạo thành một thói quen. Chúng ta mỗi ngày khi nằm trên gường ngủ, liền nghĩ A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ta. Ngày ngày nghĩ như vậy thì khi đến lúc lâm chung quả nhiên nghĩ được, A Di Đà Phật đến thật, nghĩ được nhiều năm như vậy, cuối cùng cũng nghĩ ra được Ngài, trong lòng bạn sẽ không khiếp không sợ.
(Trích từ Phật thuyết Vô Lượng Thọ giảng giải – Tập 139)
NIỆM PHẬT NHƯ LÝ NHƯ PHÁP
Ngày nay chúng ta niệm Phật không có được lợi ích gì chính là bởi vì phương pháp, lý luận, cảnh giới không hề biết tí gì, cho nên câu Phật hiệu này niệm không được đúng pháp, không như lý, không như pháp. Nếu bạn muốn niệm Phật như lý như pháp mà không nghe kinh thì không được, không học kinh Vô Lượng Thọ thì không được. Học kinh Vô Lượng Thọ, nghe kinh Vô Lượng Thọ chính là tinh tấn một môn thâm nhập.
(Trích bài giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ – Phần 64)
CÔNG ĐỨC HỘ TRÌ.
Có rất nhiều người hoài nghi, chúng ta gặp được rồi, lần này chúng ta ở nơi đây làm công quả, họ niệm Phật tương lai vãng sanh, vậy chúng tôi tương lai phải làm sao? Nghĩ đến chỗ này thì không muốn làm công quả, hay là vào bên trong niệm Phật tốt hơn? Bạn có thể hộ trì làm cho họ thảy đều vãng sanh, trừ khi chính bạn không chịu vãng sanh, nếu chính bạn muốn vãng sanh, công phu niệm Phật của bạn không đủ không cần phải lo, khi đến lúc bạn lâm chung, họ nhất định sẽ kéo A Di Đà Phật đến. Người thế gian nay chúng ta vong ân phụ nghĩa, người vãng sanh thế giới Cực Lạc tri ân báo ân, cho nên bạn giúp họ vãng sanh, tương lai họ nhất định giúp bạn vãng sanh.
(Trích từ Vô Lượng Thọ Kinh giảng giải – Phần 57)
TAM QUY Y NHẤT ĐỊNH KHÔNG PHẢI LÀ QUY Y MỘT VỊ PHÁP SƯ
Tam quy y này nhất định không phải quy y một vị Pháp sư. Quy y một vị pháp sư, tôi ở lúc trước đã giảng giải rất tường tận, bạn nhất định đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao vậy? Bạn đã phạm tội phá hòa hợp tăng. Vị pháp sư này là sư phụ của tôi, vị pháp sư kia không phải là sư phụ của tôi, bạn đang phân hóa tăng đoàn, bạn đang phá hòa hợp tăng, tội lỗi này là A Tỳ địa ngục. Cho nên chúng ta nhất định phải biết, quy y tam bảo không phải là quy y một vị pháp sư nào.
(Trích từ bài giảng Tịnh Nghiệp Tam Phước – Tập 3)
YÊU – HẬN
Yêu thì bạn cả đời vướng bận, bạn không cách gì xả bỏ họ được, còn hận thì là oan gia. Nếu cái hận đó sâu, cả đời ghi nhớ trong lòng, thù chưa báo, chết cũng không thể nhắm mắt thì đều không cam lòng. Tất cả đều không ngoài hai sự việc này. Nếu như có thể đem “yêu” và “hận” đổi thành “A Di Đà Phật” thì chúng ta thành công. Nhất định phải hiểu được, cái bạn yêu nhất sẽ lôi kéo bạn vào đường ngạ quỷ, điều mà bạn hận nhất sẽ lôi kéo bạn đến cõi địa ngục, kết quả đều là hướng vào ba đường ác mà đi. Tại vì sao không đem cái ý niệm này chuyển đổi lại, để niệm A Di Đà Phật?
(Trích từ Phật thuyết Vô Lượng Thọ giảng giải – Tập 138)
MÊ – NGỘ
Khổ từ đâu mà đến? Từ mê mà ra, mê rồi thì có khổ. Vui từ nơi đâu mà đến? Vui từ giác ngộ mà có. Đời sống trước mắt chúng ta, là bần tiện hay là phú quý đều không can hệ. Người bần tiện có tự tại an vui, người phú quý cũng có tự tại an vui. Từ trên tự tại an vui mà nói, bần tiện và phú quý không có can thiệp, không quan hệ, then chốt ở mê – ngộ.
(Trích từ Phật Thuyết Vô Lượng Thọ giảng giải – Tập 49)
TÂM LƯỢNG KHÔNG THỂ QUÁ NHỎ
Buổi chiều hôm nay, chúng ta tham gia buổi hội của Hồi Giáo, chúng ta thấy một vị pháp sư tặng một tờ chi phiếu cho Hồi Giáo, đại khái là hai mươi ngàn đồng. Chúng ta học Phật thì tâm lượng phải mở rộng. Trên Kinh Đại Thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Điều này bạn cần phải học. Tâm lượng của bạn không thể quá nhỏ. Khởi tâm động niệm chỉ vì chính mình, vì cái đạo tràng nhỏ của chính mình, vì cái khu vực nhỏ này của ta, đó thảy đều sai rồi.
(Trích từ bài giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Tập 164)
PHẬT GIÁO LÀ GIÁO DỤC, KHÔNG PHẢI LÀ TÔN GIÁO, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ TRIẾT HỌC. PHẬT GIÁO LÀ NỀN GIÁO DỤC CHÍ THIỆN VIÊN MÃN CỦA PHẬT ĐÀ. LÀ TÔN GIÁO CHÚNG TA CÓ THỂ TIN HOẶC KHÔNG TIN. LÀ GIÁO DỤC THÌ CHÚNG TA PHẢI NÊN TIẾP NHẬN.
(Trích từ kinh Vô Lượng Thọ Chủ Giảng)
Phương Pháp Niệm 10 Danh Hiệu A Di Đà Phật
Phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật là phương pháp đơn giản, lợi ích thiết thực trong việc hành trì pháp môn niệm Phật. Đặc biệt thích hợp với những người ít có thời gian tu tập. Hành trì theo phương pháp nầy sẽ giúp cho chúng ta nhất tâm chánh niệm A-Di-Đà Phật và giúp cho chúng ta an lạc thanh thản ngay trong giây phút hiện tại.
Thời khóa hành trì được bắt đầu khi chúng ta thức giấc vào sáng sớm. Chúng ta ngồi thẳng người và niệm rõ ràng danh hiệu A-Di-Đà Phật 10 lần với tâm chánh niệm, niệm lớn tiếng hay niệm thầm tùy theo ý muốn từng người. Chúng ta lặp lại công phu nầy 8 lần nữa trong một ngày. Như vậy, chúng ta công phu theo phương pháp nầy 9 lần trong mỗi ngày. Thời gian đó được đề nghị như sau:
1. Ngay khi vừa thức giấc buổi sáng sớm.
2. Trước khi bắt đầu dùng điểm tâm.
3. Sau khi dùng điểm tâm.
4. Trước khi làm việc chính trong ngày.
5. Trước khi ăn trưa.
6. Sau khi ăn trưa.
7. Trước khi ăn tối.
8. Sau khi ăn tối.
9. Lúc đi ngủ.
Quan trọng nhất là hành trì đều đặn. Sự gián đoạn, không kiên nhẫn khi hành trì sẽ làm giảm hiệu lực tác dụng. Nếu hành trì liên tục, tinh cần thì người tu sẽ thấy càng ngày thân tâm càng gia tăng niềm an lạc.
Tinh tấn hành trì phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật kết hợp với niềm tin và bản nguyện chân chính không thay đổi, chắc chắn bảo đảm tâm nguyện vãng sinh cõi Tây phương Cực Lạc, cõi Vô lượng thọ, Vô lượng quang sẽ được thành tựu.
Nguyện rằng mọi người đều cùng nhau tu tập.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Join Our Mailing List
CHÙA NGÀN PHẬT
153 Wolfetrail Rd.
Greensboro, NC 27406
(919) 349-6892
Khách Viếng Chùa Online: 516073
CHÙA NGÀN PHẬT
153 Wolfetrail Rd.
Greensboro, NC 27406
(919) 349-6892
Khách Viếng Chùa Online: 516073