Chọn trang

HÀNH BỒ TÁT ĐẠO – TU NHƯ KHÔNG TU

Đạo Phật có nhiều pháp môn tu nhưng nói chung thì không ngoài tự lợi và lợi tha. Tự lợi là tu tuệ và lợi tha là tu phước. Người thuận sống với khổ hạnh thì thực hành pháp tu xuất gia. Người thuận sống với lạc hạnh thì thực hành pháp tu tại gia. Dù là xuất gia hay tại gia, chỉ cần có Tâm xuất ly và tu hành theo Chánh Pháp thì đều giải thoát được sanh tử.

Hành Bồ tát đạo là phát Bồ đề tâm và nhờ năng lực của Bồ đề tâm để thực hành sáu pháp Ba la mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ) chú trọng đến lợi tha và nhờ lợi tha mà hoàn thành tự lợi. Tâm Bồ đề là chân tâm là tâm rõ ràng sáng suốt, không điên đảo. “Bồ đề” là Giác đạo có nghĩa là hiểu rõ đạo. Phải hiểu rõ đạo thì mới có thể tu hành. Hành Bồ tát đạo là con đường chung cho Phật tử tại gia và xuất gia, nhưng lại rất thích hợp cho hàng Phật tử tại gia.

Người Phật tử tại gia có hoàn cảnh thuận lợi và nhiều cơ hội trong đời sống để thực hành sáu pháp Ba la mật đem hạnh phúc đến cho gia đình, xã hội, và giúp cho Phật Pháp được hưng thịnh. Khi người tu tại gia thực hành các hạnh nguyện Bồ tát thì phạm vi hoạt động của nó rất rộng so với xuất gia.Tuy nhiên, hàng Phật tử tại gia vì thiếu tu tập nên khi hành Bồ tát đạo dù ở mức độ thấp cũng khó có đủ sự cố gắng, ý chí, và nghị lực để vượt qua nghịch cảnh và dễ phạm sai lầm.

Phật tử xuất gia hành Bồ tát đạo gọi là Tỳ-kheo Bồ tát giới. Các Thầy vì hạnh xuất gia xa rời cuộc sống, xa rời xã hội nên khó hành Bồ tát đạo. Tuy nhiên, nhờ tu tập và nhất là các vị đạt đến một trong các quả vị giải thoát thuộc Tứ Thánh Quả với thân tâm thanh tịnh và có trí tuệ thì dễ phát Bồ đề tâm hành Bồ tát đạo (xin xem PHÁP TIỂU THỪA Ở CỰC LẠC). Kinh sách Phật giáo phát triển nói về sáu hạnh Ba la mật, còn kinh sách Phật giáo Nguyên thủy nói tới 10 hạnh Ba la mật. Tuy số hạnh có khác nhau, nhưng nội dung của các giới hạnh thì tương tự.

Nghiệp là thói quen huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp tạo thành một năng lực tiềm tàng mãnh liệt chi phối tất cả những tư tưởng và hành động của mỗi chúng ta (xin Xem NGHIỆP LÀ GÌ?). Đối với hàng Phật tử tại gia, hành Bồ tát đạo có diệu dụng giúp họ phát tâm từ bi trong gia đình và ngoài xã hội để chuyển nghiệp, nghĩa là từ bỏ những nghiệp ác hay thói quen xấu ác và huân tập những nghiệp lành hay thói quen thiện lành.

Nếu tiến trình tu, hay hành Bồ tát đạo, này được huân tập một cách linh dộng, khéo léo lâu dần thành thói quen hay tập quán thì người tu, hay hành Bồ tát đạo, không còn nghĩ là mình đang tu. Đây là tu mà như không tu. Nghĩa là người này luôn khởi Tư tác ý thiện thành thói quen để chuyển hóa, sửa đổi đời sống của mình cho lành mạnh, có đạo đức tạo được nhiều phước đức.

Không phải mọi người chung quanh ta kể cả những người thân của chúng ta đều hâm mộ đạo Phật hay tôn sùng, nghe theo những người hiểu giáo lý hay có tu hành, vì vậy tu như không tu cũng có thể được coi là một phương tiện để giúp hành giả cảm hóa, giúp đỡ, nhiếp phục và đưa Phật Pháp vào lòng người một cách khéo léo. Trong Phật giáo, từ “phương tiện” chỉ được dùng để chỉ những phương pháp tiện dụng được phát khởi, thúc đẩy bởi Bồ đề tâm. Khi người Phật tử hành Bồ tát đạo đem hạnh phúc đến cho gia đình, xã hội, và giúp cho Phật Pháp được hưng thịnh thành thói quen thì sẽ luôn thoải mái, đầy hỷ lạc trong đời sống và lúc chết nhờ công đức vị tha này sẽ thường có một tái sanh tốt đẹp hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Điểm chính yếu là khi chết thì thân tứ đại tan rã và chỉ có nghiệp lực tiềm ẩn trong Ngũ uẩn trải qua tiến trình tái sinh qua cầu nối kết sinh thức (xin xem CẬN TỬ NGHIỆP VÀ THÂN TRUNG ẤM KHI CHẾT VÀ TÁI SANH). Khi người Phật tử hành Bồ tát đạo thành thói quen, nhờ sức mạnh của tâm từ bi nên thường quên mình vì vậy mà bớt dần tâm chấp Ngã (chấp vào cái ta và cái của ta). Hay nói một cách khác là khi người Phật tử hành Bồ tát đạo thành thói quen (hay còn gọi là nghiệp), nhờ sức mạnh của tâm từ bi nên thường ngăn chặn hay từ bỏ được tham ái, sanh hỷ lạc, hướng đến giác ngộ giải thoát. Lúc chết, tâm từ bi và ý thức của người này vẫn quen hành Bồ tát đạo cho đến khi tâm thức chuyển vào trạng thái vi tế lúc lâm chung, hay Cận tử nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến Dẫn nghiệp đưa đến một tái sanh tốt đẹp, đầy hỷ lạc, hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Khi một người chỉ chú trọng đến hình thức tu bên ngoài thì chẳng khác nào một diễn viên hàng ngày chuẩn bị, luyện tập và diễn xuất Phật pháp nhưng không chuyển hóa được những nghiệp xấu ác và huân tập được những thói quen thiện lành. Như vậy là họ đang lừa dối chính mình. Nếu lợi dụng hình thức tu bên ngoài để cầu danh hay vì lợi dưỡng thì tuy lừa được người sơ cơ, nhưng có thể làm người ta coi thường và xa lánh Phật Pháp. Khởi tâm hay Tư tác như vậy là tạo nghiệp xấu ác.

 

GÓP Ý VỀ THỰC HÀNH

Phật nói chỉ có loài người và chư thiên có thể phát Bồ đề tâm và thực hành sáu pháp Ba la mật. Đối với người chưa quen tu tập thì phát Bồ đề tâm và hành Bồ tát đạo tương đối khó huân tập và đòi hỏi nhiều cố gắng nhất là lúc mới thực hành nên chúng ta phải vững niềm tin nơi Phật Pháp thì mới có thể cố gắng, nhẫn nhục, tinh tấn, và không bỏ cuộc. Muốn có niềm tin nơi Phật Pháp, chúng ta phải tự phân tách, suy luận, chiêm nghiệm để thấy trong tất cả các tôn giáo trên khắp thế giới từ trước đến nay chỉ có Giáo lý đạo Phật và những lời dạy của chư Phật, chư Tổ là luôn hợp lý, thuận với luật nhân quả, hợp với lý nhân duyên. Vì vậy tin theo Phật Pháp là sự tin tưởng đúng đắn, chơn chánh, và có giá trị tuyệt đối.

Hành Bồ tát đạo ở mức độ thấp hay thô như được chia sẻ trong bài viết này thì gọi là Lục độ. Khi thực hành ở mức độ cao hay vi tế thì gọi là Lục độ ba la mật. “Ba la mật” là qua bờ bên kia, tức từ bờ mê qua bờ giác ngộ, giải thoát. Vì vậy chỉ có hàng Đại Bồ Tát có đủ đại từ, đại bi, đại trí, đại nguyện mới thực hành được Lục độ ba la mật.

Hàng Sơ phát tâm Bồ Tát như chúng ta vì thiếu tu tập nên khi hành Bồ tát đạo dù ở mức độ thấp cũng khó có đủ sự cố gắng, ý chí, và nghị lực để vượt qua nghịch cảnh và dễ phạm sai lầm. Vì vậy, chúng ta phải có niềm tin nơi Phật Pháp và nguyện noi gương chư Đại Bồ Tát như ngài Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Âm, Di Lặc, v.v. và nhờ sự gia trì của các ngài trên con đường hành Bồ tát đạo. Nếu chúng ta không tin là chư Đại Bồ Tát cũng tu Lục độ ba la mật thì chúng ta khó có đủ nghị lực và sự cố gắng để hành Bồ tát đạo. Cũng như một người sẽ không có đủ nghị lực và sự cố gắng học hành nếu họ không thấy có người đã đỗ đạt và có được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài niềm tin sâu nơi Phật Pháp, chư Đại Bồ Tát, Luật nhân quả và Lý duyên khởi, người hành Bồ-tát đạo phải có lòng thương người (tâm từ bi) vì đây là hạnh căn bản của Bồ-tát. Hay nói một cách khác, hành Bồ-tát đạo là cơ hội để người Phật tử huân tập và bồi đắp tâm từ bi để đem hạnh phúc đến cho nhân loại và mọi loài chúng sanh.

Theo Phật giáo, có ba loại hạnh phúc. Thứ nhất là hạnh phúc từ kinh nghiệm và cảm thọ qua các giác quan trong cuộc sống như có được sức khỏe, sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, tiện nghi, v.v. Thứ hai là hạnh phúc về tinh thần như tâm được vui mừng, an lạc, thỏa mãn, v.v. Thứ ba là hạnh phúc thực sự hay sự an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Hạnh phúc thực sự này chỉ có được nhờ sự phát triển trí tuệ qua tu tập để đoạn tận khổ đau như được giải thích trong giáo lý Tứ diệu đế.

Điều tối quan trọng là người hành Bồ tát đạo phải có trí tuệ nghĩa là có Chánh kiến được huân tập qua Chánh tư duy. Hay nói một cách khác, Chánh Kiến là tri kiến do suy luận mà có. Đây là sự thấy biết chân chánh, không bị tập quán, thành kiến, tham ái, hay tâm phân biệt, ngăn che khi thực hành hạnh Bồ tát, thí dụ như thấy biết được người đáng cứu giúp và cứu giúp được (xin xem NHẬN BIẾT ĐỂ TRÁNH XA MÊ TÍN). Chánh kiến cực kỳ quan trọng như bánh lái của con tàu. Nếu thiếu Chánh kiến khi hành Bồ tát đạo, thì chúng ta dễ bị ngoại cảnh dao động, chi phối, chuyển hướng, hay bỏ cuộc.

Nhiều người rất siêng năng đi chùa và nghe băng giảng, nhưng vì thiếu thực hành nên lời dạy của chư Phật và của chư Tổ không được thể hiện trong đời sống của họ và vì vậy họ khó có khả năng chuyển nghiệp. Đây là điều đáng tiếc vì đạo Phật là con đường thực hành để diệt khổ và đem hạnh phúc đến cho muôn loài.

Hành Bồ tát đạo là thực hành sáu pháp tu căn bản hay Lục độ dưới đây thành thói quen hay tập quán thì mới có thể chuyển nghiệp. Nghĩa là dùng “thói quen” để chuyển hóa “thói quen” hay từ bỏ những thói quen xấu ác và huân tập những nghiệp lành hay thói quen thiện lành. Có từ bi và trí tuệ cũng chưa đủ, khi hành Bồ tát đạo để lợi ích chúng sanh, chúng ta cần phải có sức mạnh của tâm nhẫn nhục, lòng dũng cảm và sự hy sinh.

  • Bố thí – Bố thí là hạnh đầu của hành Bồ tát đạo. Khi một người hiểu giáo lý và bố thí thành thói quen thì sẽ bỏ được tính keo kiệt, phân biệt, chấp trước và huân tập được hạnh bố thí đúng Pháp.

Cúng dường là một hình thức bố thí thường được dùng để hộ trì Tam Bảo hoằng dương Phật pháp để đưa chúng sinh ra khỏi khổ đau của sanh tử luân hồi. Vì mục đích cao cả, rộng lớn của sự cúng dường, nên khi người Phật tử cúng dường Tam Bảo đúng Pháp thì công đức đồng với Chánh pháp, nghĩa là công đức giải thoát khỏi các khổ đau của sanh tử luân hồi. Theo giáo lý về hành Bồ tát đạo thì đây chính là nhờ lợi tha qua hạnh Bố thí (cúng dường) mà chúng ta hoàn thành tự lợi.

Tuy nhiên, chúng ta thường bị nghiệp dẫn khi bố thí hay cúng dường và từ đó sinh ra cảm tính nên dù có hiểu giáo lý cũng khó cưỡng lại được! Thí dụ như trong gia đình, con cái muốn gì chúng ta cũng cho (bố thí) dù biết làm như vậy là tập hư và có hại cho tương lai của chúng. Cũng như vậy, đối với Tam Bảo, chúng ta thường chỉ hay cúng dường cho những Thầy hay chùa mình ưa thích dù biết rằng nhiều nơi khác có nhiều chương trình hoằng dương Chánh pháp cần sự giúp đỡ của chúng ta hơn. Cúng dường vì cảm tính ưa thích như vậy là cá nhân thí (puggalika dana) thường không tạo được phước đức cúng dường Tam Bảo, mà chỉ có tác dụng tạo thêm nghiệp duyên vướng mắc trong luân hồi giữa người cúng dường và người nhận cúng dường mà thôi. 

Vì vậy, chúng ta nên cúng dường cho các Chùa hay các trang mạng (websites) có tu học và những hoạt động hoằng dương Chánh pháp đem lợi ích đến cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ và những người chưa biết nhiều về đạo Phật. Nếu chúng ta cúng dường cho những Pháp Sư giảng dạy không đúng với Pháp hoặc sai lạc Kinh giáo để cầu danh, thu hút tín đồ, mê hoặc lòng người, hoặc vì lợi ích cá nhân, v.v. thì rất có hại cho Phật Pháp. Nếu Phật tử cúng dường giúp phương tiện phổ biến Pháp thí có tà kiến thì không tạo được phước đức mà còn vô tình tạo nghiệp xấu vì hại đến uy tín Tam Bảo (xin xem CÔNG ĐỨC BỐ THÍ NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT).

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ nói: “Phật là giác vậy, pháp là chánh vậy, tăng là tịnh vậy”. Như vậy, cúng dường Tăng Bảo là cúng dường cho một đoàn thể sống hòa hợp, thanh tịnh để tu học và hoằng dương Phật pháp. Hiện nay các phương tiện hoằng dương Phật pháp rất đa dạng và phức tạp vì người xuất gia không hẳn ai cũng là người tu, và người tu hành và hoằng dương Chánh Pháp thì không phải ai cũng xuất gia. (xin xem GÓP Ý VỀ NHU CẦU BẢO TỒN PGVN TẠI MỸ & TAÌ LIỆU THAM KHẢO).

  • Trì giới – Giới, tiếng Phạn là Sila, Trung Hoa dịch là Giới, có nghĩa là phòng bị, răn cấm, ngăn ngừa những điều sai trái để giữ thân tâm được trong sạch. Năm giới trong Phật giáo được thiết lập dựa trên nguyên lý lấy mình làm tiêu chuẩn. Nghĩa là chúng ta không muốn người khác gây khổ đau cho mình thì chúng ta đừng gây khổ đau cho người khác. Từ nhận thức bằng kinh nghiệm lấy mình làm tiêu chuẩn này, người Phật tử tự nguyện không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

Với hạnh nguyện hành Bồ tát đạo, người Phật tử giữ năm giới để ngăn ngừa các việc làm xấu ác làm tổn hại đến năm nhu cầu căn bản của đời sống đưa đến khổ đau cho chúng sanh và phát triển nhân phẩm đạo đức của chính mình. Khi giữ năm giới, chúng ta phải trân quý những chúng sanh mà chúng ta có nhân duyên gặp gỡ và bảo vệ năm nhu cầu căn bản của đời sống của những chúng sanh này như được trình bày dưới đây.

  • Khi trì giới Không sát sanh, chúng ta phải khởi tâm Tôn trọng sự sống và pháp hành Bảo vệ sự sống và phóng sanh.
  • Khi trì giới Không trộm cướp, chúng ta phải khởi tâm Tôn trọng quyền sở hữu và pháp hành Bảo vệ quyền sở hữu.
  • Khi trì giới Không tà dâm, chúng ta phải khởi tâm Tôn trọng đời sống vợ chồng và pháp hành Bảo vệ hạnh phúc gia đình. (Có biết bao nhiêu gia đình bị đổ vỡ vì không tôn trọng đời sống vợ chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình)
  • Khi trì giới Không nói dối, chúng ta phải khởi tâm Tôn trọng sự thật và pháp hành Bảo vệ sự thật.
  • Khi trì giới Không uống rượu, chúng ta phải khởi tâm Tôn trọng sự sáng suốt và pháp hành Bảo vệ sức khỏe và sự sáng suốt.

Lại nữa nếu không giữ giới tất không thể sanh định, định không sanh thì trí huệ không thể khởi phát. Đây cũng là điểm cơ bản để chúng ta phân biệt được người thực tu hay không thực tu.

  • Nhẫn nhục – Nhẫn Nhục tiếng Phạm gọi là Ksanti, dịch âm là Sạn Đề. Nhẫn Nhục là pháp trong Lục độ để ngăn ngừa và chống lại sân giận. Nghĩa là nhận những sự không như ý như hiểu lầm, khinh khi, nhục mạ, não hại, v.v. mà không giận tức hay đưa đến sân hận. Khi hành Bồ tát đạo, nhẫn nhục là khởi tâm từ bi và dùng trí tuệ để nhẫn thọ những gì không như ý và dùng cơ hội này để cảm hóa người khác.

Hạnh nhẫn nhục rất khó thực hành vì chúng ta thường không làm chủ được mình vì luôn sống theo phản ứng bản năng và kinh nghiệm của thế giới hiện tượng hơn là việc quản lý tâm ý và hành vi. Vì bản năng là tác động của nghiệp, nên phản ứng theo bản năng là bị nghiệp dẫn và nếu chúng ta không biết kiềm chế hay hóa giải thì đễ đưa đến giận tức hay sân hận tạo thêm nghiệp xấu ác.

Ở phần trên, chúng ta có nói người hành Bồ-tát đạo phải có lòng thương người (tâm từ bi) vì đây là hạnh căn bản của Bồ tát. Ở đây, chúng ta phải hiểu là nếu không có lòng thương người thì chúng ta không thể nhẫn nhục được. Thí dụ như chúng ta vì thương con mình nên dù chúng hư hỏng hay làm gì mình cũng nhịn được. Hay khi mình thích hay tôn sùng một vị Thầy thì thầy này làm gì không như ý thì mình cũng dễ dàng hoan hỷ bỏ qua (xin xem ẢNH HƯỞNG CỦA TẬP QUÁN NGHIỆP KHI ĐẾN CHÙA).

Trên phương diện lý thuyết thì rất dễ hiểu, nhưng hạnh nhẫn nhục rất khó tu tập vì làm sao chúng ta có thể đối với mọi người như đối với con của mình hay một vị Thầy mà mình luôn tôn sùng được. Sở dĩ chúng ta nhẫn nhục được với người này mà không nhẫn nhục được với người khác là vì nghiệp duyên với nhau từ tiền kiếp. Ở đây chúng ta phải hiểu nghiệp là năng lực tiềm tàng mãnh liệt chi phối tất cả những tư tưởng và hành động của mỗi chúng ta mà dù chúng ta có hiểu giáo lý cũng khó cưỡng lại được.

Muốn huân tập hạnh nhẫn nhục (hay không để bị nghiệp dẫn) thì chúng ta phải luôn tinh tấn, cảnh giác để tùy theo trường hợp không như ý mà phát Bồ đề tâm hay khởi tâm từ bi và dùng trí tuệ để tác ý thiện hay chuyển hóa tâm thức (chuyển nghiệp) để ngăn ngừa sân giận. Chúng ta cần phải huân tập hạnh nhẫn nhục thành thói quen.

Tiến thêm một bước nữa, khi hành Bồ tát đạo, người Phật tử có thể khéo léo thực tập Như lý tác ý để có thể nhìn các pháp đúng như lời Phật dạy và để kiểm soát hành động của mình. Làm thế nào để tu tập Như lý tác ý hay tâm đặt đúng hướng? Đó là tập khởi nghĩ về mọi sự vật và hiện tượng đúng như bản chất của chúng, nghĩa là duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. Nhờ vậy, tâm thức cúa chúng ta lần lần giảm tham, sân, si và ý thức sinh khởi Chánh kiến khiến các thiện pháp như nhẫn nhục sinh khởi và tăng trưởng hướng đến giác ngộ, giải thoát (xin xem TÌM HIỂU VÀ ÁP DỤNG NHƯ LÝ TÁC Ý)  

  • Tinh tấn – Tinh tấn đóng vai trò rất quan trọng tạo ra năng lực cần thiết để chúng ta có đủ sự cố gắng, ý chí, và nghị lực giúp ta vượt qua nghịch cảnh trên con đường hành Bồ tát đạo. Đức Phật trước lúc lâm chung đã nói “Hỡi các đệ tử, hãy tinh tấn lên để giải thoát”. Từ đó chúng ta có thể thấy được tinh tấn chính là điểm chính yếu cho sự thành công của bất cứ Pháp môn nào.

Trên bước đường hành Bồ tát đạo, dù mình luôn có thiện chí và cố gắng giúp người nhưng không phải lúc nào mọi người cũng đối tốt với mình và mọi việc đều diễn tiến tốt đẹp, như ý mình. Nếu không muốn nói, khi chúng ta càng cố gắng làm việc thiện thì nghịch duyên lại càng nhiều.

Tinh tấn nghĩa là siêng năng, chuyên cần. Nhưng trong đạo Phật, Tinh tấn có nghĩa là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp, không thoái lui, và cố gắng không ngừng với mục đích giải thoát.

Tinh tấn trong đạo Phật có bốn tính chất dưới đây, gọi là Tứ chánh cần hay là bốn phép Tinh tấn hợp với Chánh đạo. Cùng với ý chí và nghị lực mạnh mẽ, bốn phép Tinh tấn này nếu khéo léo áp dụng sẽ tạo ra năng lực giúp chúng ta vượt qua những nghịch duyên và luôn vững tiến trên bước đường hành Bồ tát đạo:  

  1. Tinh tấn diệt trừ những điều ác chưa phát sinh – Thí dụ như chúng ta phải tinh tấn giữ gìn không cho những hành vi xấu ác có thể làm chúng ta phạm một trong năm giới cấm phát sinh.
  2. Tinh tấn diệt trừ những điều ác đã phát sinh – Thí dụ như khi ta đã lỡ tạo điều ác như phạm giới uống rượu hay dâm dục, v.v. thì chúng ta phải tinh tấn quyết tâm trừ bỏ.
  3. Tinh tấn làm phát sinh những việc lành chưa phát sinh – Thí dụ như từ trước đến nay chúng ta chưa từng viết bài để chia sẻ về những học hỏi và kinh nghiệm tu tập. Bây giờ, chúng ta tinh tấn quyết tâm thực hiện điều này.
  4. Tinh tấn làm tăng trưởng những việc lành đã phát sinh: Thí dụ như chúng ta đã bắt đầu học hỏi, tham khảo, và thực hành Bồ tát đạo. Bây giờ chúng ta phải tinh tấn hành Bồ tát đạo nhiều hơn nữa.

Trên con đường hành Bồ tát đạo, Tinh tấn có thể được coi là năng lực của nội tâm để phục vụ cho chúng sanh. Người Phật tử hành Bồ tát đạo ngoài việc giữ gìn sức khỏe thể chất, phải có sức khoẻ tinh thần, nghĩa là phải có sự an lạc và tăng trưởng Trí tuệ. Được như thế thì chúng ta mới có thể tích cực giúp đỡ người khác có hiệu quả.

Tinh tấn có thể được coi là năng lực kết nối sự liên hệ mật thiết giữa Bồ tát và chúng sanh: Nhờ Bồ tát mà chúng sanh bớt khổ và biết tu hành; nhờ chúng sanh mà Bồ tát tự hoàn thiện mình khi phụng sự chúng sanh.

  • Thiền định – Thiền là trung tâm trong hệ thống giáo lý của đức Phật. Trong phạm vi của bài viết này, thiền định có thể được coi là một ứng dụng khi hành Bồ tát đạo, và cũng là một phương thức để phát triển tâm linh đưa hành giả về với chánh niệm, tỉnh giác hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Phần trên chúng ta đã thấy sự quan trọng của Trì giới và Nhẫn nhục khi hành Bồ tát đạo. Ở đây chúng ta phải hiểu là nếu không giữ giới hay Giới không thanh tịnh, thì Thiền định là Tà Định. Phật tử chúng ta thường chỉ ưa thích công đức Thiền định, đâu biết rằng công đức từ Giới sanh ra. Không biết rằng Thân, Tâm của chính mình luôn phiền não, loạn động. Chúng ta cố gắng ngồi nhắm mắt, đếm hơi thở, v.v. để áp chế phiền não, loạn động xuống, nhưng vì Giới không thanh tịnh và ý ham muốn nên dù có  đạt được Định thì cũng là Tà định. Người hành Bồ tát đạo phải ghi nhớ nếu chúng ta không giữ giới, khởi tâm từ bi, huân tập hạnh Nhẫn nhục và bớt tham dục mà muốn được Định là mộng tưởng, điên đảo.

Khi hành Bồ tát đạo, thiền định có thể được thực hiện thông qua việc chú tâm vào một đối tượng như người cần được giúp đỡ hay phương pháp để giúp đỡ. Sự chú tâm thành thói quen này đưa đến tĩnh tâm hướng đến sự thanh lọc, loại bỏ các phiền não trong tâm trí, những ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ tham, sân, si, mạn, nghi. Tiến thêm một bước nữa, chúng ta hãy tập thấy sự vật đúng theo thực tướng của nó (yathabhutam). Tri kiến này vượt ra ngoài mọi lý luận hay suy tưởng để hướng đến những chứng nghiệm thật sự về đời sống cùng sự vật liên quan đến thực tại.

Hành thiền có hai phần là đối tượng và tâm. Vì đối tượng luôn sinh khởi theo bản chất của chúng nên chúng ta phải biết khéo léo ứng dụng thiền định khi hành Bồ tát đạo để tĩnh tâm hướng đến sự thấy biết chân chánh, không bị tập quán, thành kiến, tham ái, hay tâm phân biệt, ngăn che. Khi hành thiền, phần tâm đóng vai trò rất quan trọng vì vậy chúng ta phải chú trọng vào những phương thức để phát triển ba nhân tố: Chánh niệm, Tinh tấn và Trạch pháp (xin xem THIỀN LÀ GÌ? Trong phần GIẢI ĐÁP THẮC MẮC).

Hành Bồ tát đạo luôn chú trọng đến lợi tha và nhờ lợi tha mà hoàn thành tự lợi. Nhưng cơ bản của hành Bồ tát đạo hay bất cứ Pháp môn của đạo Phật cũng là “tu tâm” nghĩa là thay đổi các tâm bất thiện thành các tâm thiện và phát triển các thiện pháp. Chính tâm mới hành Bồ tát đạo hay thực hiện việc hành thiền. Đặc tính của tâm là hay biết, trong khi đó, đối tượng là những gì được nhận biết. Khi đầy đủ các điều kiện (nhân duyên), tuệ giác sẽ sinh khởi.

  • Trí tuệ – Đạo Phật là đạo giác ngộ, Đức Phật là bậc giác ngộ vô thượng, nên người Phật tử phải xem giác ngộ là sự nghiệp chung thân. Dù đang tu theo pháp môn nào, chúng ta cũng phải đặt trí tuệ lên hàng đầu. Bồ tát tu theo Lục độ thì chi phần thứ sáu tức Trí huệ cũng là chỗ y cứ của năm chi phần trên.

Trí huệ Ba la mật, còn gọi là Bát nhã Ba la mật, là trí huệ của bậc Đại Bồ tát đã quán triệt chân tướng của vạn pháp. Nhờ trí huệ cứu cánh cùng tột này, Bồ tát thiết lập nhiều phương tiện, tuỳ căn cơ trình độ và sở thích của chúng sanh để giáo hóa họ một cách hiệu quả.

Như đã trình bày ở phần trên, điều tối quan trọng là người hành Bồ tát đạo phải có trí tuệ. Trong phạm vi của bài viết này, Trí tuệ được thể hiện qua Chánh kiến được huân tập qua Chánh tư duy. Hay nói một cách khác, Chánh Kiến là tri kiến do suy luận mà có. Đây là sự thấy biết chân chánh, không bị tập quán, thành kiến, tham ái, hay tâm phân biệt, ngăn che khi thực hành hạnh Bồ-tát. Chánh kiến cực kỳ quan trọng như bánh lái của con tàu. Nếu thiếu Chánh kiến khi hành Bồ tát đạo, thì chúng ta dễ bị ngoại cảnh dao động, chi phối, chuyển hướng, hay bỏ cuộc.

Có hai loại Chánh kiến là Chánh kiến thế gian và Chánh kiến xuất thế gian. Chánh kiến thế gian là biết thiện, ác; nghiệp báo; kiếp trước, đời sau; phàm, thánh, v.v. Chánh kiến xuất thế gian hay Chánh kiến vô lậu là ngộ được Chân Lý, dứt trừ được Phiền não và được giải thoát. Chánh kiến có thể được coi là từ Văn đi đến Huệ học và Chánh tư duy là từ suy nghĩa thấu đáo, rõ ràng đi đến Huệ học. Sau Chánh kiến là Chánh tư duy, nghĩa là cái Thấy của Chánh kiến giúp cho Tư duy được chính xác dẫn đến sự mong cầu chân thật hướng về giải thoát

Đạo Phật là đạo từ bi, mà cũng là đạo giác ngộ. Khi thực hành Bồ tát đạo, Bố thí và Nhẫn nhục giúp chúng ta tu phước; Thiền định và Trí huệ giúp chúng ta tu huệ; Trì giới và Tinh tấn là hai chất liệu để kiểm soát và đốc thúc cho việc tu phước và huệ được thành tựu.

Ðứng về một khía cạnh khác để nhận xét, Bố thí và nhẫn nhục thuộc về Bi, thiền định và trí huệ thuộc về Trí, còn trì giới và tinh tấn thuộc về Dũng. Một Phật tử hoàn toàn phải có đủ ba phương tiện Bi, Trí, Dũng mới mong hướng đến bờ giác ngộ.

 

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc, và đầy hỷ lạc trên bước đường hành Bồ tát đạo và hộ trì Tam Bảo.

 

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

Thị Phước

Chùa Ngàn Phật

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white