Chọn trang

PHÁP TIỂU THỪA Ở CỰC LẠC

Có một số Phật tử thắc mắc tại sao kinh A Di Đà, là một trong ba bộ kinh quan trọng của Tịnh Độ tông (Vô Lượng Thọ kinh, A Di Đà kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh), lại diễn tả những Giáo Pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy (thường bị gọi lầm là Tiểu thừa).

Đây là đoạn kinh A Di Đà diễn tả về những Giáo Pháp nằm trong 37 Phẩm trợ đạo của Phật Giáo Nguyên Thủy là Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần mà các Phật tử tu Pháp môn Tịnh Độ thường đọc tụng: “Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cọng Mạng; những giống chim đó, ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói Pháp mầu như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần, vân vân……. Những giống chim đó do Đức Phật A Di Đà muốn cho tiếng Pháp được tuyên lưu mà biến hóa ra.”

Câu hỏi này có thể được chia làm 2 phần. Thứ nhất: Tại sao Kinh A Di Đà của Phật Giáo Phát Triển lại diễn tả những Giáo Pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy? Thứ hai: Tại sao kinh chỉ diễn tả 25 phẩm là Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần mà không diễn tả toàn bộ 37 Phẩm trợ đạo?

Để trả lời phần thứ nhất, Kinh A Di Đà của Phật Giáo Phát Triển (Đại Thừa) diễn tả những Giáo Pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy (thường bị gọi lầm là Tiểu thừa) là hợp lý vì Phật Giáo Phát Triển đã được hình thành từ Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Bộ Phái (xin xem LIÊN HỆ GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA). Trong khoảng 2,500 năm qua, Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Bộ Phái, và Phật Giáo Phát Triển đã lần lượt được hình thành trong đó có nhiều điểm tương đồng và những mối liên hệ mật thiết để bảo tồn và phát triển đạo Phật. Tuy nhiên, cũng có những chấp trước, tranh luận, bài bác về sự khác biệt giữa Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển.

Về phần thứ hai của câu hỏi là tại sao Kinh A Di Đà chỉ diễn tả 25 phẩm (Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần) mà không diễn tả 12 phẩm (Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc) thì chúng ta phải hiểu 37 Phẩm trợ đạo (xin xem 37 PHẨM TRỢ ĐẠO).

37 Phẩm trợ đạo gồm có:

  • Tứ niệm xứ (4)
  • Tứ chánh cần (4)
  • Tứ như ý túc (4)
  • Ngũ căn (5)
  • Ngũ lực (5)
  • Thất bồ đề phần (7)
  • Bát thánh đạo phần (8)

Những pháp hay phẩm chất này giúp cho người tu hành thành tựu được đạo quả giác ngộ, giải thoát nên gọi là 37 Phẩm trợ đạo hay trợ Bồ đề.

Kinh A Di Đà khẳng định nếu chúng sanh trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà một lòng không tạp loạn thì khi lâm chung sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Theo lý thì những người đã được vãng sanh về thế giới Cực Lạc không cần học thêm Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần và Tứ như ý túc vì những Pháp này tương đương với trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà một lòng không tạp loạn vì vậy Kinh A Di Đà không nói đến 12 phẩm trợ đạo này (Tu Tứ niệm xứ để nhận rõ được chân tướng của cõi đời; tu Tứ Chánh Cần để quyết tâm bỏ ác theo thiện; tu Tứ như ý túc để có Chánh định).

Nói một cách khác thì khi một người phát nguyện sanh về Cực Lạc mà huân tập được Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần và nhất là Tứ như ý túc (bốn nơi nương tựa cho các công đức thiền định được thành tựu mỹ mãn như ý muốn của mình) như dưới đây thì sẽ được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ: 

  1. Dục như ý túc là cực kỳ mong muốn hay thành tâm phát nguyện được sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
  2. Tấn như ý túc là chuyên cần, tinh tấn ngày đêm niệm Phật không ngừng nghỉ như được diễn tả trong Kinh A Di Đà: “trì niệm danh hiệu của Đức Phật đó, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày ….”.
  3. Tâm như ý túc (hay Nhất tâm như ý túc) là chú tâm cực kỳ nhiệt thành, dõng mãnh, hay nhất tâm một lòng không tạp loạn như đoạn kinh: trì niệm danh hiệu của Đức Phật đó, …… một lòng không tạp loạn, đến lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà cùng hàng thánh chúng hiện thân trước người đó. Lúc chết, tâm thần không điên đảo, người đó liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.”
  4. Tuệ như ý túc có nghĩa là sáng suốt hiểu biết rõ ràng để chọn những pháp môn tu tập hợp với mình như Pháp môn Trì danh niệm Phật hay 37 Phẩm trợ đạo, v.v.

Vì Nhất tâm như ý túc hay trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà một lòng không tạp loạn (Nhất tâm bất loạn) không dễ, nên trong kinh có đoạn: “Xá Lợi Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó.”

Sau khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc, chúng sanh đã được Nhất tâm bất loạn hay Nhất tâm như ý túc, sẽ tu tập Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần trong 37 Phẩm trợ đạo để có được Tự giác tương đương với phẩm hạnh của quả vị A La Hán. Vì vậy trong kinh có đoạn: “Xá Lợi Phất! Lại Đức Phật đó có vô lượng vô biên Thinh Văn đệ tử đều là bậc A La Hán, chẳng phải tính đếm mà biết được”. Trong kinh lại có đoạn: “….. hàng Bồ Tát cũng đông như thế”. Như vậy ngoài các vị A La Hán, ở Cực Lạc có rất nhiều Bồ-tát với chí nguyện thành đạt Đạo Quả Chánh Giác, và thực hành Bồ Tát Đạo để độ tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi khổ đau của sanh tử luân hồi. Từ hai đoạn kinh này, chúng ta có thể thấy được lý kinh là vãng sanh về thế giới Cực Lạc là do tâm nguyện của người con Phật chứ không hẳn do nơi Pháp môn.

Điểm cốt tủy của Kinh A Di Đà là chúng sanh vãng sanh về thế giới Cực Lạc để được câu hội một chỗ với các bực Thượng thiện nhơn như trong đoạn kinh: “Xá Lợi Phất! Chúng sanh nào nghe những điều trên đây, nên phát nguyện sanh về nước đó. Vì sao? Vì được câu hội một chỗ với các bực Thượng thiện nhơn.” Vì vậy trong kinh khẳng định “Xá Lợi Phất! Những chúng sanh trong cõi Cực Lạc đều là bực bất thối chuyển”. Bất thối chuyển hay không thối Bồ đề tâm vì thế giới Cực lạc không có ba đường dữ và chúng sanh ở đây được câu hội một chỗ với các bực Thượng thiện nhơn để chuyên tâm tu học.

Tịnh Độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Phát Triển ở Trung Hoa. Mẫu người lý tưởng của Phật Giáo Phát Triển là tu tập với chí nguyện thành đạt Đạo Quả Chánh Giác, và thực hành Bồ Tát Đạo để độ tất cả chúng sinh được giải thoát. Nghĩa là chúng sanh ở thế giới Cực lạc sẽ phải trở lại Ta bà để hóa độ chúng sinh (Hoàn lai Ta bà độ tận chúng sanh) trước khi giác ngộ thành Phật (Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn). Vì vậy quý Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ khi cầu vãng sanh về Cực lạc nên phát nguyện có được nhân duyên thù thắng, được câu hội một chỗ với các bực Thượng thiện nhơn tu hành tinh tấn, để trở lại Ta bà hóa độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau của sanh tử luân hồi.

Có thể những chia sẻ trong bài viết này khác với niềm tin của một số Phật tử. Tuy nhiên điều quan trọng, trong tiến trình tu học của một cá nhân, là chúng ta phải có Chánh tín huân tập qua sự kiểm chứng theo kinh điển. Chánh tín thuộc về Trí tuệ. Ở bậc căn bản, trong cuộc sống, Trí tuệ là hiểu giáo lý (những lời dạy của chư Phật và hiểu lý Kinh). Vì hiểu Phật nên mình mới tin; vì hiểu những gì mình tin, nên niềm tin của mình mới dũng mãnh và tạo được Tín lực (một trong Ngũ lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ) rất cần thiết cho Phật tử chúng ta tu theo Pháp môn Tịnh Độ (xin xem NHẬN BIẾT ĐỂ TRÁNH XA MÊ TÍN)

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an, đầy hỷ lạc khi tu tập và hộ trì Tam Bảo.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Thị Phước

Chùa Ngàn Phật

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white