Chọn trang

TÌM HIỂU VÀ THỰC HÀNH VĂN TƯ TU

Đạo Phật chú trọng vào thực hành. Chúng ta phải biết khéo léo áp dụng giới luật và những lời giảng dạy trong kinh điển để khai mở trí tuệ và huân tập những tư tưởng và hành động thiện thành thói quen hay còn gọi là thiện nghiệp. Những thiện nghiệp này có hiệu dụng chuyển hóa tâm thức.

Phật tử Việt Nam thường đến với đạo Phật qua phong tục, tập quán vì vậy chúng ta luôn quan tâm đến những hình thức bên ngoài như đi chùa, lễ Phật, cầu phước, cúng dường, làm công quả, v.v. Chúng ta thường không chú trọng vào mục đích chính của đạo Phật là học hỏi và áp dụng lời Phật dạy (giáo lý) để chuyển hóa tâm thức, tu dưỡng thân tâm, cải thiện hoàn cảnh, giảm bớt khổ đau, lợi lạc đời này và đời sau, cho nên tuy đạo Phật là đạo giác ngộ nhưng Phật tử Việt Nam chúng ta cũng còn nhiều tà kiến và mê tín.

Phải thực hành thì những học thuyết, lý thuyết, hay văn tự Phật Pháp mới giúp chúng ta được hạnh phúc, an lạc, giải thoát. Nếu lý thuyết có tác dụng thì các giáo sư Phật học ở các trường đại học đã giác ngộ. Khi ăn, cơ thể chúng ta phải trải qua một tiến trình tiêu hóa để chuyển thức ăn thành năng lượng nuôi thân thể. Cũng như vậy, sự huân tập những tư tưởng và hành động thiện thành thói quen đòi hỏi chúng ta phải qua một tiến trình gọi là Văn, Tư, Tu:

  • Văn – Nghe, đọc, hoặc xem để có kiến thức và ghi nhớ những kiến thức này hay những điểm quan trọng.
  • – Phân tách, suy luận, chiêm nghiệm những gì đã học để có thể khéo léo áp dụng theo căn cơ và hoàn cảnh của mình.
  • Tu – Tinh tấn áp dụng sự hiểu biết từ Văn và kết quả của quá trình tư duy để chuyển hóa tâm thức và huân tập những tư tưởng, hành động thiện; Kiểm điểm thành quả và khuyết điểm để định hướng kiến tạo thêm kiến thức mới (Văn).

Tiến trình tu trì Văn, Tư, Tu này gọi là Tam học mà người Phật tử phải áp dụng vì mục đích cứu cánh của đạo Phật là chỉ dạy phương pháp, giúp đỡ con người, chuyển hóa tâm thức đưa đến giác ngộ, giải thoát, chứ không phải chỉ có những hình thức cúng kiến lễ lạy mà thôi. Thực hành được như vậy là sự cúng dường cao quý nhất được nhắc đến trong hạnh nguyện Quảng tu cúng dường của Bồ Tát Phổ Hiền.

Đối với người chưa quen tu tập thì pháp tu trì Văn, Tư, Tu tương đối khó huân tập và đòi hỏi nhiều cố gắng nên chúng ta phải có niềm tin nơi Phật Pháp thì mới cố gắng, tinh tấn, và không bỏ cuộc. Muốn có niềm tin nơi Phật Pháp, chúng ta hãy tự phân tách, suy luận, chiêm nghiệm để thấy trong tất cả các tôn giáo trên khắp thế giới từ trước đến nay chỉ có Giáo lý đạo Phật hay những lời dạy của chư Phật, chư Tổ là luôn hợp lý, thuận với luật nhân quả, hợp với lý nhân duyên vì vậy tin theo Phật Pháp là sự tin tưởng đúng đắn, chơn chánh, có kiểm chứng, và có giá trị tuyệt đối. Tuy nhiên, có những kinh điển mà chúng ta phải nghiên cứu, học hỏi để hiểu lý kinh (ý nằm ngoài lời) vì kinh Đại thừa thường dùng ẩn dụ mang tính cách triết lý uyên thâm nhằm biểu hiện sự vận hành của tâm thức. Đây gọi là Chánh tín thuộc về Trí tuệ. Ở bậc căn bản, trong cuộc sống, Trí tuệ là hiểu giáo lý (những lời dạy của chư Phật và hiểu lý Kinh). Vì hiểu Phật nên mình mới tin; vì hiểu những gì mình tin, nên niềm tin của mình mới dũng mãnh và tạo được Tín lực (một trong Ngũ lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ). Nếu thực hành được như vậy thì chúng ta đang trên đường huân tập Chánh tín.

Khi đã có niềm tin nơi Phật Pháp, chúng ta nên bắt đầu tu trì Văn, Tư, Tu bằng những sự việc có thể phân tách, suy luận và dùng ngôn ngữ để diễn bày. Càng tu tập bao nhiêu thì chúng ta càng có kinh nghiệm trực tiếp đến sự thành tựu tâm linh trên con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát.

VĂN là nghe, đọc, hoặc xem để có kiến thức và ghi nhớ những kiến thức này hoặc những điểm quan trọng. Chúng ta phải học hỏi giáo lý. Dù tu bất cứ pháp môn nào, chúng ta cũng nên có sự hiểu biết về các giáo lý căn bản như Lục Ðộ tức là Bồ Tát đạo, Tứ nhiếp pháp, Tứ diệu đế và pháp tu Bát chánh đạo bằng cách nghe giảng, đọc sách, học giáo lý, trì kinh, v.v. Từ đó chúng ta huân tập được niềm tin nơi Phật Pháp và có được kiến thức chân chánh, hiểu biết sáng suốt và khả năng nhận định đúng đắn để có lợi ích cho mình và cho người.

Chưa bao giờ người Phật tử lại có nhiều phương tiện để học hỏi giáo lý như hiện nay. Nhìn bề ngoài thì hiện nay số người phát tâm tu học rất đông, nhưng đây không phải đúng nghĩa muốn tu học vì phần nhiều chúng ta thiếu cố gắng và rất hời hợt. Thí dụ như những bài giảng Phật Pháp trên “YouTube” có tính cách khuyến tu, thường pha lẫn những thí dụ vui nhộn, dí dỏm ngoài đời, cho người sơ cơ chưa biết nhiều về Phật Pháp, thường được rất nhiều người xem đi xem lại và luôn mong có bài mới của vị giảng sư mình thích để xem thêm. Trong khi những bài giảng có giá trị về các phương pháp tu học thì rất ít người để ý đến. Đây là trường hợp đáng tiếc, chẳng khác nào như chúng ta dù đi học đã mấy chục năm nhưng chỉ muốn ở lại bậc tiểu học vì thấy vui và không phải cố gắng học hỏi. Một thí dụ nữa là trong các khóa tu hay các buổi sinh hoạt Phật Pháp, Phật tử chúng ta thường rất thụ động, ít có câu hỏi, dường như chấp nhận Thầy nói sao nghe vậy và không dám có ý kiến.

Là người Phật tử cầu tiến, sau khi đã được xem các bài giảng Phật Pháp trên “YouTube” có tính cách khuyến tu dành cho người sơ cơ, nếu có khả năng và điều kiện, chúng ta phải tinh tấn tìm đọc các kinh điển, bài giảng và các phương pháp có thể giúp chúng ta tu tập những giáo lý căn bản để mở mang trí tuệ và xây dựng niềm tin trong sự hiểu biết. Các bài giảng này thường được đăng ở các trang mạng Phật Giáo. Đối với người có chút căn bản về Phật Pháp thì các kinh sách và bài viết thường dễ theo dõi, tra cứu và nghiền ngẫm, tư duy hơn là “YouTube” hay Facebook.

Muốn khai mở trí tuệ và huân tập những tư tưởng và hành động thiện thành thói quen hay còn gọi là thiện nghiệp, thì chúng ta phải bỏ bớt thành kiến. Đối với một số Phật tử thì điều này rất khó thực hiện. Người bị thiệt thòi là người có thành kiến. Phật tử chúng ta ngày nay có cả một thư viện Phật học trong máy vi tính nhưng vì thành kiến, như phân biệt tông phái, đạo tràng, người giảng, v.v. nên chúng ta  không có cơ hội để học hỏi những gì mà người không có thành kiến được học từ những lời dạy của Chư Phật, chư Tổ.

Vì vô thường, khổ, vô ngã là bản chất tự nhiên của pháp, nên khi chúng ta có thành kiến thì tâm chúng ta không thanh tịnh nên dù có cố gắng cũng khó có kết quả tốt. Nên nhớ, Lý duyên khởi, Vô thường, Khổ, và Vô ngã luôn là khuôn mẫu nhằm đảm bảo mọi tư duy, ngôn thuyết, diễn giải, thực hành của người Phật tử đúng Chánh pháp.

Nếu chúng ta chỉ nghe, đọc, hoặc xem các bài giảng Phật Pháp (Văn) mà ngừng tại đây vì không biết áp dụng (Tư, Tu) thì chẳng khác nào như chúng ta dù ăn rất nhiều nhưng không tiêu hóa được vì vậy không tạo được năng lượng để nuôi thân thể.

Trường hợp thứ hai là nhiều người chỉ biết có Văn và Tu nghĩa là Thầy nói sao nghe vậy rồi thực hành. Vì các bài giảng cho đại chúng thường có tích cách tổng quát, khuyến tu. Hơn nữa, tuy cùng một đề tài hay vấn đề nhưng mỗi giảng sư có trình độ, sự hiểu biết, suy luận và khả năng diễn đạt khác nhau, nên nếu thiếu tư duy (phân tách, suy luận, chiêm nghiệm để khéo léo áp dụng theo căn cơ và hoàn cảnh của mình) thì chúng ta khó áp dụng có hiệu quả vì vậy nên thường hời hợt và dễ bỏ cuộc.

hay Tư duy là sự nhận xét, phân tách, suy luận, chiêm nghiệm những gì đã học (Văn), để có thể điều chỉnh và áp dụng chúng cho phù hợp với cuộc sống, hoàn cảnh, khả năng của mình để đem lại lợi ích thiết thực.

Khởi tâm là tạo nghiệp nên tư duy là tạo nghiệp (ý nghiệp). Trong đạo Phật, tư duy được chia thành hai loại là tà tư duy và Chánh tư duy. Tà tư duy là tư duy vì mục đích đem lại lợi ích cho bản thân, thường là 5 sự ham muốn: Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy. Thí dụ như chúng ta có thể bỏ ra nhiều thời gian để suy nghĩ, tính toán làm sao để lợi mình dù có hại cho người, hay làm sao để kiếm thêm tiền, v.v. Nếu hằng ngày chúng ta tu tập Chánh tư duy sẽ tạo nghiệp thiện và ngược lại là tà tư duy dẫn đến nghiệp ác. Nếu chúng ta không tinh tấn tu tập Chánh tư duy thì, với năng lực của tham ái, tà tư duy sẽ có nhiều cơ hội tạo tác đưa đến ác nghiệp khổ đau triền miên.

Chánh tư duy là tư duy mà Đức Phật chỉ bày cho chúng ta để phát triển trí tuệ. Đây là tư duy trong tiến trình Văn, Tư, Tu và cũng là bước hai của Bát chánh đạo. Vì vậy, nếu chúng ta có chút căn bản về Phật Pháp và tương đối nhìn được sự vật một cách đúng đắn (Chánh kiến) thì tâm ta dễ hướng đến Chánh tư duy.

Phật tử chúng ta ngày nay, nhất là hàng Phật tử tại gia, hầu hết không có khả năng và hoàn cảnh huân tập Chánh tư duy để ly dục, ly ác pháp, qua thiền định. Chánh tư duy, trên con đường thực hành hạnh Bồ Tát, mà chúng ta có thể huân tập được là suy nghĩ, nhận xét, chiêm nghiệm những điều mình học hỏi để khéo léo áp dụng đem lại lợi ích cho chúng sanh. Đây là một tiến trình để chúng ta huân tập buông bỏ các tư tưởng tiêu cực như tham đắm, tự mãn, ganh tị, sân hận; và thay thế chúng bằng các tư tưởng thiện như buông xả, từ bi, thương yêu, lợi tha, v.v.

Vì thấy biết tham ái là cội nguồn của khổ đau, nên chúng ta phải luôn coi tiến trình tư duy là cơ hội để loại bỏ các tư tưởng kết nối với tham, sân đưa đến đau khổ. Để áp dụng Chánh tư duy như đã trình bày ở trên, khởi đầu chúng ta nên tư duy những sự việc có thể phân tách, suy luận và dùng ngôn ngữ để diễn bày. Thí dụ như chúng ta có thể Tư duy về một đoạn kinh mà mình thường tụng qua những câu hỏi căn bản dưới đây:

  • Đoạn kinh này nói gì? (phải hiểu lý kinh)
  • Nếu áp dụng thì được lợi ích gì cho mình và cho mọi loài chúng sanh?
  • Làm sao để áp dụng cho phù hợp với cuộc sống, hoàn cảnh của chúng sanh quanh mình, và trong khả năng của mình?

Sự tương tục vận hành không gián đoạn của các tư tưởng thiện, từ bi, lợi tha sẽ làm giảm đi tâm tự ngã, bám víu, lo âu, và giúp ta tiến bước trên con đường đưa đến hạnh phúc dài lâu. Cứ như vậy, càng tư duy thì trí tuệ và tâm từ bi của chúng ta càng tăng trưởng.

Khi chúng ta đã huân tập được Chánh tư duy như được trình bày ở trên, chúng ta có thể bắt đầu huân tập Chánh tư duy về sự thật. Đây là tư duy qua sự hiểu biết và trải nghiệp của Bốn chân lý (Tứ Diệu Đế), Bát chánh đạo, Vô thường, Nhân quả nghiệp báo, Lý duyên khởi.

Tư duy ở trình độ xuất thế gian mà chúng ta không đề cập ở đây là “Chánh tư duy xuất thế” không còn bị kẹt vào ý niệm thường hay vô thường nữa. Chánh tư duy dựa trên vô thường để quán chiếu sự vật, nhưng khi ở trình độ xuất thế gian thì thường hay vô thường cũng vậy mà thôi.

Tà tư duy thường tạo nghiệp bất thiện. Người có tâm bất thiện và hay tà tư duy thường khó tiếp xúc được với Chánh tư duy là do thành kiến và cố chấp. Thành kiến và cố chấp là biểu hiện của nghiệp sâu dày ngăn cản không cho người này thấy được Chánh Pháp. Người hay tà tư duy chẳng khác nào như kẻ mộng du; Vô thường nhưng luôn tưởng là thường, tâm đang bất an nhưng tưởng là an, đang tạo nghiệp ác nhưng tưởng là đang tạo phước, đang đau khổ nhưng tưởng hạnh phúc. Mọi thứ điều do tưởng mà ra. Tưởng càng tạo tác thì tà tư duy càng tạo thêm bất thiện ý nghiệp nên dễ đưa đến một Cận tử nghiệp xấu và một tái sanh không tốt đẹp (xin xem CẬN TỬ NGHIỆP VÀ THÂN TRUNG ẤM KHI CHẾT VÀ TÁI SANH )

Tà tư duy thường rất khó dứt bỏ. Dù sống lương thiện, đạo đức, hay đã tu hành nhiều năm, nhưng nếu chúng ta vẫn còn tà kiến và tham ái thì cũng dễ bị rơi vào tà tư duy như một phản ứng tự vệ. Thí dụ như khi thấy người hơn mình, hay nói điều chạm tự ái, không thuận theo mình, không hợp với mình hay Pháp môn của mình, v.v. thì khởi tâm tà tư duy để bảo vệ cái “tôi” của mình. Người càng giỏi và càng được nhiều người theo khen ngợi, nịnh hót thường khó dứt bỏ được những tà tư duy vi tế này.

TU là tinh tấn áp dụng sự hiểu biết từ “Văn” và kết quả của quá trình “Tư” hay tư duy để chuyển hóa tâm thức và huân tập những tư tưởng, hành động thiện. Kiểm điểm thành quả và khuyết điểm để định hướng và kiến tạo kiến thức mới (Văn).

Khởi tâm là tạo nghiệp nên tư duy là tạo nghiệp (ý nghiệp). Tu là sửa đổi, thực hành bằng lời nói hay hành động nên cũng tạo nghiệp. Nhờ Chánh tư duy nên chúng ta thực hành (Tu) đúng Pháp nên luôn tạo thiện nghiệp (thân nghiệp và khẩu nghiệp). Khi thực hành, chúng ta phải biết dụng tâm để phát triển trí tuệ và bồi đắp công đức vị tha cho đến khi thuần thục thành thói quen. Vì vậy, nhờ luôn biết dụng tâm, học hỏi, tư duy, thực hành và tiếp tục sửa đổi mà trí tuệ và tâm vị tha của chúng ta càng ngày càng phát triển.

Để có thể khéo léo áp dụng pháp tu trì Văn, Tư, Tu, chúng ta cần phải dụng tâm bằng cách áp dụng Phật Pháp để liên tục quan sát, lập luận và nhận định rõ ràng những cái thấy, biết, và ý tưởng của chúng ta để thanh lọc và xóa bỏ những nhầm lẫn do ức đoán của chính mình. Sở dĩ chúng ta có những lầm lẫn này là vì tham, sân, si và những tạp khí hay vô minh bẩm sinh. Một khi những sự nhầm lẫn này được quét sạch qua tiến trình Văn, Tư, Tu chúng ta sẽ có được một niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo và một kiến thức chân chánh, hiểu biết sáng suốt đúng theo chân lý thiện, ác, nhân, quả. Thí dụ như khi thực hành bố thí (xin xem CÔNG ĐỨC BỐ THÍ NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT), chúng ta nên tư duy về Tứ diệu đế để hiểu thấu và cảm nhận được rõ ràng hơn về thực trạng đau khổ của chúng sanh, về nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến đau khổ, về sự chấm dứt đau khổ và về con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến việc chấm dứt khổ đau. Chúng ta sẽ thấy được cái hiểu của mình về Tứ diệu đế ngày càng rõ ràng và sâu hơn nhờ thực hành bố thí. Cũng như vậy, cái hiểu của mình sẽ càng ngày càng rõ ràng và sâu hơn nữa nếu mình tiếp tục khéo léo áp dụng Văn, Tư, Tu vào các việc thiện khác như khi cúng dường chúng ta nên học hỏi QUY SƠN CẢNH SÁCH, và tư duy về KINH DI GIÁO ghi chép những lời dạy cuối cùng của đức Phật trước khi nhập Niết bàn. Chính nhờ biết được những lời dạy của Đức Phật cho các Thầy Tỳ Kheo, chúng ta mới có thể, qua phương tiện cúng dường, tạo điều kiện và tìm cách yểm trợ chư Tăng Ni giữ giới tốt hơn để Phật Pháp được trường tồn.

Pháp tu trì Văn, Tư, Tu cũng giúp chúng ta vững tiến trên đường đạo với tám phương tiện mầu nhiệm (Bát chánh đạo). Qua tiến trình Văn, Tư, Tu, sự tích cực áp dụng, sửa đổi để huân tập những tư tưởng và hành động thiện (Tu) luôn giúp chúng ta có lời nói chân thật, công bình, ngay thẳng và hợp lý (Chánh ngữ); hành động chân chính, đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý, có lợi ích cho chúng sanh (Chánh nghiệp); sinh sống chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch (Chánh mạng).

Nhờ Tư duy chúng ta tu tập đúng Pháp. Khi thực hành, chúng ta phải biết kiểm điểm thành quả và khuyết điểm để định hướng kiến tạo thêm kiến thức mới (Văn). Tiến trình Văn, Tư, Tu phải được thực hành liên tục cho hoàn thiện và thành thói quen, và chúng ta phải luôn dụng tâm để phát triển trí tuệ và bồi đắp công đức vị tha theo tâm nguyện của mình. Vì vậy, nhờ luôn biết dụng tâm, học hỏi (Văn), tư duy (Tư), thực hành (Tu) và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi mà trí tuệ và tâm vị tha của chúng ta càng ngày càng phát triển.

Nếu chúng ta khéo léo áp dụng pháp tu trì Văn, Tư, Tu để khai mở trí tuệ cho đến khi thuần thục và trở thành một phần của đời sống, thì những kiến thức và ý niệm ban đầu của chúng ta chuyển hóa dần thành tuệ giác. Khi sự thực hành (Tu) được phát nguồn từ sự hiểu biết về Pháp qua sự học hỏi (Văn) và tư duy (Tư) thì chúng ta sẽ càng tinh tấn hơn. Nhưng dù có cố gắng thì sự tu tập của chúng ta, nhất là Phật tử tại gia, cũng thường bị giới hạn trong phạm vi phước đức thế gian. Vì vậy người Phật tử, song song với việc tu tập, phải tạo một niềm vững chắc bằng cách phát Bồ Đề Tâm nghĩa là khởi lên tâm nguyện tu hành thành Phật để cứu độ chúng sinh. Phát Bồ Đề Tâm tu trì Văn, Tư, Tu có khả năng giúp chúng ta không bị đọa vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và chuyển hóa tâm thức để tạo công đức giác ngộ, giải thoát vượt khỏi luân hồi.

Người Phật tử pháp Bồ Đề Tâm tu trì pháp Văn, Tư, Tu có công đức vô lượng không thể nghĩ bàn, và tuy không mong cầu phước đức thế gian nhưng thường có một đời sống an vui, hạnh phúc, và luôn gặp thuận duyên trên đường tu học và hộ trì Tam Bảo.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an, và đầy hỷ lạc trong việc tu tập và phụng sự Tam Bảo.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Thị Phước

Chùa Ngàn Phật

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white