Chọn trang

CẬN TỬ NGHIỆP VÀ THÂN TRUNG ẤM KHI CHẾT VÀ TÁI SANH

Mục tiêu của đạo Phật là chuyển hóa những ô nhiễm của thân tâm để giúp ta khỏi khổ đau, đem hạnh phúc đến cho mọi loài, và rốt ráo giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Con người do nhân duyên và ái dục sinh ra có hai phần là thân và tâm không thể tách rời nhau trong đời sống. Theo đạo Phật, thì chết không phải là hết mà chỉ là một tiến trình để tâm rời bỏ thân hiện tại và giúp thành lập một thân mới cho tâm trong vòng sanh tử luân hồi. Ở đây, tâm là nghiệp và nghiệp lực là sự tạo tác của tham, sân, si, mạn, nghi, thúc đẩy bởi năng lượng ái dục. Đức Phật dùng ngôi nhà để thí dụ cho thân người, khi chết thì nghiệp rời nhà này để vào nhà kia, nhưng vẫn có những chúng sanh chưa vào nhà mới được nên vẫn còn ở nơi trung ấm giữa hai kiếp sống. Chúng ta cũng cần phải hiểu là không hề có cái “ta” hay một tâm thức bất biến trong tiến trình chết và tái sanh vì thức do duyên khởi. Không có duyên thì thức không hiện khởi.

Vì căn bản của nghiệp lực là sự tạo tác của tham, sân, si, mạn, nghi nên con người, nếu không có tu học và luôn tỉnh giác,  thường tạo nghiệp ác trói buộc tâm thức. Khi mạng sống chấm dứt, chúng ta sẽ phải đi theo nghiệp lực mà mình đã tạo để tái sinh trong cõi luân hồi với một tâm thức và thân thể của kiếp sống mới, phù hợp với các nghiệp nhân đã tạo tác ra trong quá khứ. Vì chỉ có nghiệp đi luân hồi, nên muốn có một tái sanh tốt đẹp thì chúng ta phải tạo nhiều nghiệp lành và chuẩn bị cho lúc chết và tái sanh.

NHỮNG GIAI ĐOẠN CỦA SỰ CHẾT VÀ TÁI SANH

Chết là một tiến trình duyên sinh rất phức tạp khi thân và tâm phân tán và chuyển hóa theo thứ tự. Tiến trình này bao gồm sự phân tán và tan rã của các căn và tứ đại bên ngoài và sự tan rã của các ý tưởng, sự hiểu biết, và cảm xúc thô bên trong để chuyển qua trạng thái vi tế của tâm thức lúc lâm chung. Khi tiến trình của sự chết vừa chấm dứt và ngay trước khi tiến trình của sự tái sanh bắt đầu thì Tâm tịnh quang (hay ánh sáng trong suốt của Chân tâm) xuất hiện, và ngay sau đó tâm thức người chết tái sinh vào trạng thái trung ấm (bar-do) giữa hai kiếp sống và thọ một thân cực vi tế, tạo thành chỉ nhờ năng lượng của khí. Thân trung ấm này có thể đi đến bất cứ nơi nào nó muốn để tìm một nơi tái sinh cho kiếp sống mới. Trừ nơi tái sinh của nó như là trong dạ con, bụng của người mẹ, ngoài ra không vật gì có thể cản được thân trung ấm đi qua, dù là núi rừng hay biển cả. Thân trung ấm, mang theo những nghiệp đã tạo trong quá khứ và có hình dạng của thân trong cảnh giới tái sinh sắp tới, như thân một đứa bé nếu được tái sinh làm người hay một con vật nếu tái sanh làm súc sanh, v.v. Thân trung ấm có thể thấy nhau, nhưng chúng ta thường không thấy được thân trung ấm. Nếu chúng ta thấy người chết trở về với hình dáng giống như khi còn sống thì thường được hiện ra từ những hình ảnh in sâu trong tâm thức của chúng ta mà thôi. Những người thác sinh vào các cõi dục giới và sắc giới thì phải trải qua thân trung ấm. Toàn thể kiếp sống của thân trung ấm có thể kéo dài từ một phút chốc cho đến 49 ngày để tìm nơi tái sinh. Xin xem thêm CHẾT – VÀO THÂN TRUNG ẤM VÀ TÁI SINH dưới đề mục THAM KHẢO/ SÁCH HAY/ CHẾT VÀ TÁI SANH trên trang mạng Chùa Ngàn Phật.

Ngoài những hành giả thiền định du già có thể kiểm soát thuần thục các tiến trình của sự chết để thoát ra khỏi sanh tử luân hồi hay các vị tu cao ở các tông phái khác, trong giai đoạn đầu của sự chết và tái sinh, người bình thường không nhận biết được tiến trình của những tâm thức vi tế nên luôn đồng nhất mình với các trạng thái tâm thức thô và nông cạn được thể hiện từ tâm thức vi tế. Trong giai đoạn này, khi sự hiểu biết, và cảm xúc thô chưa tan rã, người sắp chết thường cảm thấy sợ hãi mình đang bị chết. Sau giai đoạn này thì đến giai đoạn phân tán và tan rã của Ngũ uẩn bao gồm các ý tưởng, sự hiểu biết, và cảm xúc thô để chuyển sang trạng thái vi tế của tâm thức lúc lâm chung, người bình thường trong lúc lâm chung này chỉ cảm thấy như mê ngủ.

Cũng giống như vậy, khi ngủ và trong những giấc mơ, tâm thức chúng ta cũng trải qua những giai đoạn tuy ngắn gọn và không vi tế nhưng tương tự như các giai đoạn trong tiến trình của sự chết, nhưng chúng ta thường không nhận biết được. Hơn nữa, cũng dễ hiểu là nếu còn có lý trí và sự hiểu biết khi tái sinh thì ai lại chọn sanh vào những cõi thấp như ngạ quỷ hay súc sanh.

Trạng thái vi tế của tâm thức trong lúc lâm chung, mà chúng ta không ý thức hay cảm nhận được, là tiềm năng có sẵn trong thần thức, Đây là một loại nghiệp có cường độ rất mạnh còn được gọi là Cận tử nghiệp (Asannakamma) có ảnh hưởng rất lớn đến Dẫn nghiệp là nghiệp lực dẫn dắt hướng tái sinh. Cũng giống như những chuyển động trên mặt hồ là biểu hiện của những chuyển động ngầm dưới mặt nước, những tư tưởng, cảm xúc, và hành động của người lúc lâm chung đều bị thúc đẩy bởi Cận tử nghiệp trong tiềm thức. Những tư tưởng hay hành động này cũng sẽ tạo những nghiệp mới có ảnh hưởng đến trạng thái vi tế của tâm thức hay Cận tử nghiệp. Đây có thể được hiểu như là vòng luân hồi của tâm thức lúc lâm chung.   

Tất cả các pháp đều vô thường, biến đổi, chảy xiết không ngừng, và sanh khởi theo luật Duyên khởi; hễ đủ duyên thì sanh, hết duyên thì biến mất. Cũng như vậy, Cận tử nghiệp phải chờ đủ duyên để phát khởi và trở thành giai đoạn tiếp nối của những nghiệp lực từ quá khứ với một kiếp sống mới, và khi thân trung ấm chưa có đủ duyên để tìm được nơi đi tái sinh thích hợp với nghiệp lực của mình, thì sau 7 ngày nó sẽ phải trải qua sự chết của trung ấm và tái sinh trong một thân trung ấm mới. Sự tái sinh trung ấm mới chỉ có thể diễn ra nhiều nhất là 6 lần, có nghĩa là thần thức chỉ có thể trải qua tối đa là 49 ngày trong cõi trung ấm.

LÀM SAO ĐỂ CÓ MỘT TÁI SANH TỐT ĐẸP

Khi nghĩ đến cái chết, nhiều người trong chúng ta thường tìm cầu những phương cách dễ dàng và nhanh chóng để có một tái sanh tốt đẹp. Vì lý do này, nên chúng ta thường dễ bị vướng vào tà kiến, mê tín, hay tin vào những gì mà ta tưởng là sẽ giúp chúng ta có một tái sanh tốt đẹp để được yên tâm. Riêng người có học hỏi giáo lý và tu tập thì thường thấy yên tâm như đã làm xong bổn phận của mình. Khi đã yên tâm thì chúng ta thường cảm thấy như vậy là đủ và không cầu học hỏi hay tu tập thêm nữa. Để tránh bị rơi vào tình trạng này, chúng ta cũng nên tự tìm hiểu khả năng của mình trong tiến trình chết và tái sanh. Thí dụ như chúng ta hãy dùng thiền định để đi vào giấc mơ hay để cảm nhận được hay thấy biết những diễn biến trong tiềm thức hay tâm thức vi tế của mình (chứ không phải những ý tưởng hay cảm xúc thô như buồn, vui, giận, hờn, v.v.); hay chúng ta hãy chuyên tâm niệm Phật cầu cho được gặp Phật trong giấc mơ cho đến khi ngủ xem đêm đó chúng ta có mơ thấy mình niệm Phật hay thấy Phật không, v.v. Nếu chúng ta chưa đủ khả năng làm được những việc này thì khi chết và tái sanh, chúng ta có thể sẽ đồng nhất mình với các trạng thái tâm thức thô và nông cạn trong giai đoạn khởi đầu và cảm thấy như mê ngủ hoàn toàn không biết gì trong giai đoạn phân tán và tan rã của Ngũ uẩn và trong giai đoạn nghiệp lực dẫn chúng ta đi tái sanh ở một nơi nào đó.

Con người rất phức tạp. Vì nghiệp lực quá mạnh nên có nhiều người vẫn làm điều ác và tìm mọi cách bào chữa cho hành động của mình để được yên tâm. Lâu dần thành thói quen nên tiếp tục tạo nghiệp ác ngày này qua tháng nọ mà không lo sợ. Người có đi chùa, nhưng vì chưa tin sâu nhân quả, có khi còn tự bào chữa là mình phải làm những việc tuy xấu hay phải bịa đặt, dấu diếm, nhưng là để giúp chùa mình hay để hộ trì Tam Bảo, v.v. Đây là trường hợp tạo nghiệp ác mà tưởng là mình đang tạo phước. Trong tiến trình của sự chết, khi các cảm giác thô trong giai đoạn tan rã và bản ngã yếu dần, thì người lâm chung sẽ thấy các việc ác mình làm trước đây một cách trung thực hơn, hay ít có thành kiến hơn. Lúc này có hối hận, lo sợ, thì đã quá muộn.       

Vì chỉ có nghiệp lực hay Mãn nghiệp đi tái sanh, nên trong cuộc sống, chúng ta phải tích cực tạo nghiệp lành hay phước đức như kính tín Tam bảo, phát tâm Bồ đề, tinh tấn tu hành, phát lòng từ, bi, hỷ, xả, bố thí, cúng dường, làm các việc thiện, giữ gìn năm giới cấm, v.v. Các nghiệp lành này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tái sanh. Đức Phật đã dùng thí dụ khi một cái cây đã nghiêng về hướng nào thì khi ngả nó sẽ ngả về hướng đó để trả lời Ngài Ma Ha Nam hỏi nếu chết bất đắc kỳ tử thì sẽ sanh về đâu.

Để tạo nghiệp lành thì chúng ta phải hiểu giáo lý để thực hành cho đúng. Thí dụ như muốn bố thí, cúng dường đúng Pháp thì, ngoài niềm tin nhân quả, chúng ta phải có sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp. Thực hành được như vậy thì không những chúng ta sẽ có một tái sanh tốt đẹp, mà tuy không mong cầu phước đức thế gian, nhưng người Phật tử bố thí, cúng dường đúng Pháp sẽ thường có một đời sống an vui, hạnh phúc, và luôn gặp thuận duyên trên đường tu học và hộ trì Tam Bảo. Xin xem thêm CÔNG ĐỨC BỐ THÍ NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT

Nếu chúng ta đã kết nhiều thiện duyên với chúng sanh trong quá khứ qua những thiện nghiệp như bố thí, cúng dường thì chúng ta sẽ gặp được nhiều điều kiện thuận lợi hay thuận duyên để Cận tử nghiệp thiện đưa chúng ta tái sinh vào những cảnh giới cao và thân trung ấm sẽ mau chóng tìm được nơi tái sinh thích hợp với nghiệp lực của mình.

Nếu chúng ta hàng ngày siêng đi nghe giảng hay đã xem nghe rất nhiều băng giảng, nhưng không tu tập hay áp dụng những gì đã học được trong cuộc sống để huân tập những thói quen, hay tạo những nghiệp tốt lành, thì chẳng khác nào như chúng ta ăn rất nhiều nhưng cơ thể không tiêu hóa được. Điều này thật đáng tiếc vì chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội mà không biết đến kiếp nào mới có lại được

Nếu chúng ta thực hiện được những thiện nghiệp như được trình bày ở phần trên, thì chúng ta thường có một tái sanh tốt đẹp. Tuy nhiên trạng thái vi tế của tâm thức lúc lâm chung hay Cận tử nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến Dẫn nghiệp là nghiệp lực dẫn dắt hướng tái sinh. Có những trường hợp mà Cận tử nghiệp xấu có thể đưa người đã tạo nhiều thiện nghiệp tái sanh vào cảnh giới thấp, và Cận tử nghiệp tốt có thể giúp người đã tạo nhiều nghiệp ác được sanh về các cảnh giới cao.  Nhưng nếu người này không tạo được các thiện nghiệp ở cõi sống mới thì khó hưởng phước được lâu bền nên thường bệnh hoạn hay chết yếu, v.v.

Điểm chính yếu là chỉ có nghiệp lực trải qua tiến trình tái sanh vì thân tứ đại. Ngũ uẩn trong đó bao gồm lý trí, sự hiểu biết, và các cảm xúc của chúng ta đều tan rã trong giai đoạn chết và tái sanh. Ngoại trừ trường hợp của các vị tu hành cao, chúng ta phải hiểu là tất cả những giáo lý và những gì chúng ta học hỏi được trong cuộc sống đều không thể giúp chúng ta khi chết và tái sanh. Vì vậy, ngoài việc tạo nghiệp lành hay phước đức như đã trình bày ở phần trên, chúng ta phải tinh tấn tu tập và áp dụng những giáo lý đã học trong cuộc sống để làm chủ thân tâm và tạo công đức. Khi chúng ta tinh tấn áp dụng những lời dạy của Đức Phật trong đời sống, lần hồi, tâm thức của chúng ta sẽ hướng về hay trở nên thuần thiện có ảnh hưởng rất lớn đến Cận tử nghiệp khi lâm chung để được tái sinh trong các cảnh giới cao.

Để hướng về một Cận tử nghiệp thuần thiện, chúng ta phải có Chánh kiến (sammaditthi) hay thấy và biết về Khổ, Tập, Diệt, Đạo và buông bỏ hay trở về với Chân tâm. Nghĩa là thân, khẩu, ý phải luôn hướng về lợi tha, và không nên tự lợi. Tự lợi là vọng tâm, tham ái, vướng mắc, ảnh hưởng đến tâm thức lúc lâm chung đưa đến Cận tử nghiệp xấu. Trong giai đoạn chết và tái sanh, khi các ý tưởng, sự hiểu biết, và cảm xúc thô chưa hoàn toàn tan rã, người có công phu tu hành thường không sợ hãi và cảm thấy an bình trong khi tâm thức chuyển vào trạng thái vi tế lúc lâm chung của một Cận tử nghiệp tốt đưa đến một tái sanh tốt đẹp. Nói tóm lại, nếu hàng ngày chúng ta thường làm chủ, hay kiểm soát, được thân tâm, thì khi chết chúng cũng vẫn làm được như vậy cho đến khi tâm thức chuyển vào trạng thái vi tế lúc lâm chung. Khi một người thường làm chủ, hay kiểm soát, được thân tâm, thì dù có bị chết bất đắc kỳ tử đi nữa thì tâm thức của họ cũng đang ở trạng thái an bình. Người này, vì hàng ngày tâm thức luôn hướng về lợi tha, không tự lợi, vướng mắc, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Cận tử nghiệp để có một tái sanh tốt đẹp ở một cảnh giới cao.

Việc này không phải dễ, vì vậy chúng ta phải có Chánh kiến và một niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo. Điểm chính yếu ở đây là chúng ta phải tập buông bỏ. Thí dụ như hành động bố thí, cúng dường, với tâm ý thanh tịnh hay trong tâm trạng thánh thiện, sẽ tạo duyên hay điều kiện để phát triển Giới hạnh đạo đức, Định tâm và Trí Tuệ. Các vị Thánh cũng phải khởi đầu bằng sự buông bỏ, nghĩa là sáu căn không còn dính chấp sáu trần. Sơ quả Tu-đà-hoàn của Phật giáo nguyên thủy và Bồ Tát sơ tín vị của Phật giáo phát triển đều phải buông bỏ, phải phá thân kiến. Chúng ta, do sự hiểu biết nông cạn của mình, nên thường chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức nên hết lòng đắm chấp, mê muội.

Thể chất của con người khác nhau nên vị giác của họ cũng khác nhau. Cũng vậy, khi tu học, chúng ta phải hiểu vì nghiệp duyên của con người khác nhau nên họ hợp với những pháp môn tu khác nhau. Hiểu được như vậy thì chúng ta phải học hỏi những giáo lý căn bản và chọn pháp môn tu hợp với mình và luôn cởi mở, hòa nhã và tùy hỷ với sự tinh tấn và thành tựu của mọi người dù họ tu bất cứ pháp môn nào.  Chúng ta phải cẩn trọng đừng khen pháp môn mình ưa thích và chê trách các pháp môn khác vì như vậy dễ tạo nghiệp hủy báng Tam Bảo.

Nếu có hoàn cảnh và điều kiện, chúng ta nên học hỏi, tu tập thêm những giáo lý căn bản do chính Đức Phật dạy như Tứ diệu đế, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên để tịnh hóa thân tâm và giúp chúng ta có được Chánh kiến. Đây cũng là cơ hội để chúng ta kết duyên với các vị Thánh Thanh-Văn-Giác.

Chúng ta phải tinh tấn tu tập để chuyển hóa tâm thức chuẩn bị cho tiến trình chết và tái sanh và bồi đắp công đức vị tha. Nghĩa là chúng ta phải chí thành, không mong cầu tự lợi và không chú trọng vào những hình thức bên ngoài. Thí dụ như khi chúng ta tụng kinh, niệm Phật, hay niệm chú thì đừng quan tâm đến việc mình phải tụng cho hay hoặc mong cầu có nhiều người tham dự hay biết đến. Đôi khi tụng kinh hay và được nhiều người khen cũng có thể trở thành một chướng duyên trên bước đường tu học nếu chúng ta chỉ chú trọng vào phần trình diễn và mong cầu được khen. Chúng ta phải luôn chí thành, với tâm từ bi chân thật, thì sẽ có công đức và đạo tràng được thanh tịnh nên Chư Thiên, Chư Thần sẽ bảo hộ và chúng sanh ở các cõi khác cũng đến hộ trì và tham dự.

Chúng ta phải luôn cẩn trọng kiểm thảo chính mình. Những người có phước đức nhiều nhưng không hiểu giáo lý thì thường chấp thủ rất nặng nề. Do đó những người có nhiều may mắn thường hay ngã mạn, tự mãn ít chấp nhận người khác, và không cầu học tập thêm nữa. Vì luôn gặp may, nên những người này thường có tà kiến và thiên về mê tín hơn tu học. Vì tâm ngã mạn, tự mãn, nên hàng ngày họ tạo nghiệp chướng mà không hề hay biết. Hạng người này tuy có phước nhưng vì tâm ngã mạn, chấp thủ nên trạng thái vi tế của tâm thức trong lúc lâm chung hay Cận tử nghiệp của họ thường không được tốt và dễ bị đọa.

Trong giai đoạn khởi đầu của sự phân tán và tan rã của thân và Ngũ uẩn, là lúc người biết mình sắp chết nên thường lo sợ, nuối tiếc mạng sống và những gì của mình như gia đình, của cải, và ganh tị với người, v.v.  Trong giai đoạn này, những người càng thành công, tiếng tăm, giàu có, xinh đẹp, v.v. trong cuộc sống thì càng lo sợ, nuối tiếc mạng sống và những gì của mình phải bỏ lại. Khi những cảm xúc thô này chuyển sang trạng thái vi tế của sự tan rã thì những năng lực thuộc về thân sẽ yếu dần và chuyển qua tâm thức. Vì không bị vướng vào thân Tâm nên tâm thức lúc này, mang theo những cảm xúc tiêu cực trong lúc sắp chết, trở nên rất mạnh và sẽ đóng góp phần lớn cho Cận tử nghiệp. Vì lý do này, nên nếu chúng ta không tạo nhiều nghiệp thiện và tu tập để chuyển hóa tâm giúp cho Cận tử nghiệp thì khi tái sanh sẽ khó có lại được thân người như Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta.  

Trong đời sống hàng ngày, các tâm quen thuộc như tham lam, sân hận, đố kỵ chỉ cần bị kích thích một chút là đã nổi lên trong ý thức. Vì vậy, các tâm thức này thường hiện hành trước tiên và dễ bị kích thích trong trạng thái của tâm thức lúc lâm chung hay Cận tử nghiệp để đưa chúng ta đọa vào các cõi thấp như súc sinh, ngạ quỷ, v.v. Vì vậy, chúng ta phải luôn cố gắng đừng khởi tà kiến hay những ý nghĩ, hành động tiêu cực, thúc đẩy bởi tham, sân, si, mạn, nghi trong đời sống để lâu dần thành thói quen tạo ra cận tử nghiệp ác đưa chúng ta đọa vào các cõi thấp. Có những hành động được sự trợ giúp của Tăng thượng duyên, tăng thêm sức mạnh của nghiệp, có khả năng tạo thành nghiệp rất nặng. Thí dụ như tật hay nói xấu sau lưng để hại người, và khi thấy người hay một đoàn thể vì lời nói xấu của mình mà bị thất bại hay bị người khác khinh miệt thì cảm thấy hớn hở vui mừng. Người này rất khờ dại và rất đáng thương vì nói xấu sau lưng chẳng có lợi gì cho bản thân hay gia đình mình, mà nghiệp xấu ác thì chỉ có mình tự ghánh chịu. Chúng ta phải biết đây là nghiệp rất ác vì lời nói xấu thường trở nên rất tai hại sau khi được truyền miệng bởi nhiều người. Như chuyện không có cũng trở thành có, không thật cũng trở thành thật, tạo cơ hội cho người nghe nói xấu về người khác tạo nghiệp, và người bị nói xấu vì không biết nên họ không có cơ hội để tự bào chữa. Hơn nữa, nghiệp này tương ưng với bản tính dấu diếm, trốn tránh của chúng sanh ở các cõi thấp nên nó rất có khả năng hiện hành trong trạng thái của tâm thức lúc lâm chung dẫn chúng ta tái sinh trong cảnh giới súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục. Đức Phật dạy rằng ngay cả người giữ giới luật và có Chánh kiến, vẫn có thể rơi vào địa ngục hoặc vì ác nghiệp, hoặc khi cận tử lại nhớ đến những việc xấu đã làm hay khởi tà kiến. Nghĩa là nếu sơ xuất để khi cận tử đột nhiên nhớ lại những việc ác đã làm hay sinh khởi tà kiến, thì có cơ nguy sanh vào địa ngục hay đọa xứ.

Những giấc mơ vào buổi sáng và những cảm xúc, tư tưởng khi mới ngủ dậy thường là biểu hiện của tâm thức. Vì vậy, chúng ta có thể theo dõi tiến triển của tâm thức mình vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy. Nếu chúng ta, khi mới ngủ dậy, thường thấy mình sảng khoái, an lạc, nghĩ đến những việc làm tốt như hộ trì Tam Bảo, hoằng Pháp lợi sanh, bố thí, cúng dường và các việc thiện, không ham muốn gì cho cá nhân, không ganh tỵ hay giận hờn ai, v.v. thì chúng ta đang đi đúng hướng để có một tái sanh tốt đẹp. Nếu vừa ngủ dậy, chúng ta đã nghĩ ngay đến những ganh tỵ, tính toán, mưu đồ tư lợi như tiền bạc, luyến ái, quyền thế, danh vọng, , v.v. thì chúng ta phải tu sửa vì những tư tưởng và cảm xúc này dễ làm ô nhiễm tâm thức đưa đến một Cận tử nghiệp xấu và một tái sanh vào các cõi thấp trong lục đạo. Vì vậy muốn biết mình sẽ tái sanh vào cõi dữ hay lành, chỉ cần tìm hiểu một cách khách quan về thân khẩu ý của mình khi mới ngủ dậy thì có thể đoán được.

Đối với người thân lúc sắp lâm chung, thân nhân bên giường bệnh phải tránh có những hành động có thể làm kích thích tâm luyến ái, chấp trước, đố kỵ, giận dữ trong tiềm thức của họ và phải, bằng mọi cách, nuôi dưỡng một trạng thái tâm thức thiện cho họ.

Chúng ta nên tụng kinh, niệm Phật, trì chú, hành thiền, bố thí, cúng dường, phóng sanh, và làm các việc thiện để cầu nguyện, hồi hướng cho người lúc lâm chung được chết an lành và một tái sanh tốt đẹp. Nên nhớ Cận tử nghiệp ở sâu trong tiềm thức chứ không phải bên ngoài. Vì vậy những lời kinh hay tiếng niệm Phật phải đi được vào tiềm thức của người lâm chung thì mới có tác dụng. Cho nên, tụng kinh hay niệm Phật để hộ niệm cho những người thường nghĩ đến Tam Bảo thì dễ có tác dụng hơn. Nếu chúng ta tụng kinh hay niệm Phật để hộ niệm cho những người không muốn gần gũi Tam Bảo hay không thích nghe kinh hay tiếng niệm Phật thì có thể làm họ bực dọc, khó chịu trong lúc lâm chung và có thể ảnh hưởng xấu đến Cận tử nghiệp. Ngoài ra, chúng ta phải hiểu tâm lý của người sắp chết để giúp họ được hiệu quả hơn. Như đã thình bày ở phần trên, người sắp chết thường đồng nhất mình với các trạng thái tâm thức thô và nông cạn lúc lâm chung nên thường cảm thấy sợ hãi mình phải chết hay bị hủy diệt. Trong giai đoạn lâm chung, họ có thể nghe tiếng niệm Phật như là một dấu hiệu mà chúng ta cho họ biết là họ sắp chết. Nếu họ đang sợ chết thì họ lại càng sợ hãi, bực bội, và vì họ không muốn chết nên có thể nổi sân ảnh hưởng xấu đến Cận tử nghiệp. Vì vậy khi tụng kinh, niệm Phật, trì chú để hộ niệm cho người trong lúc lâm chung, chúng ta phải chú ý quan sát phản ứng của họ để có những hành động thích nghi.     

Chúng ta cũng nên thường tụng kinh cầu nguyện bình an cho mọi loài chúng sanh và những chúng sanh còn trong thân trung ấm. Để trợ duyên cho những hương linh mới mất, quý Phật tử có thể điền và gởi MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU về Chùa Ngàn Phật. Chùa phát nguyện cầu nguyện hàng ngày vào thời kinh trưa cho các hương linh mới mất cho đến 49 ngày.

Chúng ta tuy không có khả năng điều khiển được Cận tử nghiệp. Nhưng nếu chúng ta hiểu biết về tiến trình chết và tái sanh, tinh tấn tu tập để chuyển hóa tâm, và tu nhân tích đức thì chúng ta sẽ tạo được nhiều công đức và phước đức. Khi mạng chung, sẽ có nhiều NHÂN tốt và gặp nhiều thuận DUYÊN để có được một Cận tử nghiệp thiện đưa chúng ta đến một tái sanh tốt đẹp. Cũng tương tự như người bị bệnh tiểu đường loại 2 không thể nào ra lệnh hay điều khiển cơ thể giảm chất đường, nhưng nếu người đó hiểu biết về tiến trình của bệnh này thì chỉ cần năng hoạt động, giữ cân lượng, ăn uống chừng mực, điều độ, ít chất đường một thời gian thì bệnh sẽ giảm đi rất nhiều.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử có một đời sống an vui, hạnh phúc, đầy hỷ lạc trong việc tu học và hộ trì Tam Bảo, và khi bỏ báo thân sẽ có được một tái sanh tốt đẹp.

 

Phạm Nam Sơn, pd Thị Phước

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white