Chọn trang

CÔNG ĐỨC BỐ THÍ NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT

Bố thí là hành động hiến tặng vật chất, năng lực, hoặc sự hiểu biết cho chúng sanh. Cúng dường là một hình thức bố thí được dùng trong trường hợp cúng dường Tam Bảo. Là Phật tử, bố thí không những tạo được phước mà còn là cơ hội để chúng ta tạo công đức và giúp cho Phật pháp được hưng thịnh bằng cách bố thí theo lời Phật dạy hay còn được gọi là bố thí đúng Pháp để phát triển trí tuệ và bồi đắp công đức vị tha. Muốn bố thí đúng Pháp thì, ngoài niềm tin nhân quả, chúng ta phải có Chánh kiến (sammaditthi) hay là sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp.

Bố thí là một pháp hành rất thích hợp cho hàng Phật tử tại gia. Tuy nhiên có nhiều Phật tử tuy tin nhân quả và bố thí rất hào phóng nhưng không đúng Pháp. Ngày nay cơ hội và phương tiện bố thí rất nhiều nhưng cũng rất phức tạp. Để tìm hiểu thêm về công đức bố thí, chúng tôi xin được tóm lược phần giáo lý căn bản và góp ý về việc áp dụng hạnh bố thí trong bối cảnh hiện nay để chúng ta cùng tham khảo và áp dụng.

GIÁO LÝ CĂN BẢN

CÁC THÀNH PHẦN CỦA BỐ THÍ

Bố thí là một hành động có chủ ý nên tạo ra nghiệp như đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Này các tỳ kheo! Chính Tư tác hay Tác ý tư tâm sở (cetana) là cái mà ta gọi là nghiệp. Bởi vì qua Tư tác, người ta hành động bằng thân, khẩu, ý…”  Vì vậy nghiệp tốt hay xấu là do hành động, được thúc đẩy bởi tâm thức, tạo ra chứ không phải là kết quả như chúng ta thường nghĩ. Như vậy thì bố thí là một hành động tốt giúp giải thoát tâm trí của người thọ nhận khỏi khổ đau. Ngược lại, một hành động xấu là một hành động dẫn tới khổ đau cho tâm trí (dukkha).

Bốn yếu tố chính tạo ra, hay ảnh hưởng đến, thiện nghiệp hay phước mỗi khi chúng ta bố thí là: Tư thí  (cetana dana), vật thí (vatthu dana), người thọ nhận, và hoàn cảnh hay thời điểm.

  • Tư thí (cetana dana) – Tư thí hay chủ ý là Tác ý tư tâm sở (cetana) khi bố thí tạo ra thiện nghiệp hay phước trong đời này và trong những đời sau. Những năng lực do Tư thí tạo ra này ẩn sâu trong tâm thức là nhân để khi có đủ duyên sẽ cho những quả báo tương xứng.

Dụng tâm khi bố thí ảnh hưởng rất nhiều đến Tư thí. Nếu chúng ta không biết dụng tâm hay hời hợt, thờ ơ, hoặc quá chú trọng vào hình thức, mà không để ý hay không nhận ra Tác ý của mình khi bố thí, thì chúng ta bỏ lỡ đi cơ hội tích cực tạo ra những thiện nghiệp trong tâm thức.

  • Vật thí (vatthu dana) – Vật thí luôn đóng vai trò chủ yếu để thể hiện, thúc đẩy, khơi dậy một Tư thí (cetana dana) mạnh mẽ hay yếu ớt trong tâm của người bố thí. Vật thí có ba loại là: Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí.

Tài thí có hai loại là nội tài và ngoại tài. Bố thí nội tài là hy sinh sức lực, thân mạng để giúp đỡ, cứu vớt người khác. Ngoại tài là những đồ vật như thức ăn, đồ mặc, thuốc men, tiền bạc, v.v.

Pháp thí là đem những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để diễn giải cho người, hoặc tu hành chân chính để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh. Tuy Pháp thí có một giá trị rất lớn vì chỉ có bố thí Pháp mới có thể giúp người giác ngộ, nhưng nó đòi hỏi người bố thí phải hiểu Pháp để khỏi diễn giải sai lời dạy của chư Phật hay rơi vào tà kiến tạo nên những nghiệp xấu.

Vô Úy thí là giúp người khác bớt hay hết sợ. Nếu nhận xét kỹ, ta sẽ thấy Vô Úy thí nằm trong Tài thí hoặc Pháp thí.

Những vật bố thí thấp hơn những gì ta thường dùng thì nó chỉ khơi dậy một Tư thí yếu ớt gọi là hạ liệt thí (hina dana). Nếu chúng ta bố thí những vật có phẩm chất tương đương với những gì ta dùng thì đó là trung bình thí (majjhima dana). Nếu chúng ta bố thí những vật phẩm tốt hơn những gì chúng ta thường dùng thì nó có khả năng  thúc đẩy, khơi dậy một Tư thí mãnh liệt hay mạnh mẽ. Đây gọi là cao thượng thí (panita dana).

Vật thí với những số lượng khác nhau cho ra những quả khác nhau. Tác ý hay chủ ý (cetana) trong việc bố thí với một số lượng lớn, so với khả năng của người bố thí, sẽ mãnh liệt hơn vì nó đòi hỏi một sự hy sinh nhiều hơn là chủ ý trong việc bố thí với số lượng nhỏ.

  • Người thọ nhận – Khi bố thí cho một người thọ nhận xứng đáng thì hành động bố thí thúc đẩy một Tư thí (cetana dana) mạnh mẽ trong tâm người bố thí, trong khi bố thí đến người thọ nhận tầm thường thì nó chỉ gợi lên một Tư thí yếu ớt.

Trong nhà Phật thường lấy thí dụ về phước đức bố thí như việc trồng trọt của nhà nông mà người nhận thí được ví như thửa ruộng mà hạt giống bố thí được gieo. Nếu đất không có cỏ dại thì sẽ cho năng suất cao. Cũng vậy, nếu người thọ nhận không có tham, sân, si sẽ cho người bố thí hưởng được nhiều lợi ích. Nếu đất được bón phân đầy đủ làm cho thật phì nhiêu thì nó sẽ cho năng suất cao. Cũng vậy, nếu người thọ nhận là người có giới đức và trí tuệ như chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng thì những quả lành cũng sẽ dồn cho người bố thí.

Khi chúng ta bố thí cho một nhóm người, một cơ quan từ thiện, một ngôi chùa hay một đạo tràng tu học, thì nếu vật thí của chúng ta được dùng để giúp cho nhiều người được lợi lạc trong hiện tại và trong tương lai thì hành động bố thí này có khả năng thúc đẩy một Tư thí (cetana dana) mãnh liệt hay mạnh mẽ.

Nếu chúng ta bố thí không đúng chỗ như cho những người không túng thiếu hay để làm những việc không lợi ích cho hữu tình chúng sanh, thì hành động bố thí này của chúng ta chỉ có thể thúc đẩy một Tư thí rất yếu ớt.

  • Hoàn cảnh – Khi bố thí đúng hoàn cảnh hay đúng thời điểm, sẽ tạo ra một Tư thí (cetana dana) mãnh liệt, mạnh mẽ. Theo thí dụ trên thì mặc dù đất và hạt giống đều tốt, việc gieo trồng cũng phải được làm đúng thời vụ, đúng mùa. Cũng vậy, nếu chúng ta bố thí đúng lúc đến những người thiếu thốn đang cần sự giúp đỡ thì chắc chắn sẽ lợi ích cho người nhận và đem lại những kết quả tốt nhất. Phật tử chúng ta thường ít quan tâm đến điều này, nên thường hay cúng dường các Thầy có chức vụ lớn hoặc đã tu lâu hay các Chùa lớn vì nghĩ như vậy là được nhiều phước. Vì quá chú trọng vào hình thức bên ngoài, và vì thiếu hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, nên chúng ta có thể đã bỏ lỡ đi cơ hội cúng dường, giúp đỡ, và khuyến khích những đạo tràng tu học, tuy nhỏ nhưng tinh tấn, thanh tịnh, và hiện đang thiếu thốn rất cần sự giúp đỡ. Khi bố thí đến người thọ nhận xứng đáng và đúng thời điểm thì hành động bố thí của bạn tạo ra một Tư thí rất mãnh liệt, mạnh mẽ.

Nếu chúng ta không bố thí đúng Pháp, nghĩa là thiếu sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, thì chúng ta thường bố thí theo tập quán hay vì cảm tính. Vì căn bản của cảm tính là tham, sân, si, nên sự bố thí của chúng ta dễ bị ô nhiễm và không có nhiều lợi ích. Xin xem thêm bài viết “ẢNH HƯỞNG CỦA TẬP QUÁN NGHIỆP KHI ĐẾN CHÙA

BỐ THÍ, CÚNG DƯỜNG LÀ GIEO DUYÊN

Như đã trình bày ở trên, muốn bố thí đúng Pháp thì chúng ta phải có Chánh kiến (sammaditthi) hay là sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp. Nhưng muốn hiểu về nghiệp và quả của nghiệp thì chúng ta phải hiểu lý nhân duyên, hay duyên sinh, hay thuyết duyên khởi.

Trong phạm vi của bài viết này, khái niệm về lý nhân duyên giúp chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn hơn về nghiệp và quả của nghiệp để chúng ta có thể tùy duyên, không chấp trước, khi bố thí. Không phải ai cũng có đủ duyên lành để bố thí rộng rãi, cùng khắp nên chúng ta phải tùy duyên bố thí và gieo trồng hạt giống bố thí vào ruộng phước tốt lành thì phước quả sẽ thù thắng hơn. Sự hiểu biết về lý nhân duyên cũng giúp chúng ta chấp nhận vô thường, an nhiên tự tại với trí tuệ thấu rõ quy luật nhân như vậy, duyên như vậy, và quả như vậy.

Ở đây chúng ta chỉ nêu ra bốn duyên (tứ duyên) là nguồn gốc sinh khởi của vạn pháp. Tứ duyên là: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Sở duyên duyên, và Tăng thượng duyên. Bốn duyên này, hay bốn điều kiện sinh ra các pháp, ngoài ra không có duyên thứ năm. Trong sinh hoạt hàng ngày chúng ta thường không nhận ra bốn duyên này, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu về diễn tiến của một hiện tượng đã xảy ra thì chúng ta sẽ dể nhận ra được chúng.

  1. Nhân duyên (hetupratyaya) là điều kiện đầu, điều kiện chính, cũng như hạt bắp là nhân duyên của cây bắp. Nó thường có một khuôn khổ rất nhỏ nhưng nếu có những điều kiện khác thì nó sẽ trở thành lớn. Thí dụ như hạt dưa hấu rất nhỏ, nhưng trong đó có chứa cây dưa hấu và nhiều trái dưa rất lớn.
  2. Thứ đệ duyên hay Đẳng vô gián duyên (Samanantarah-pratyaya) là không có sự gián đoạn, có lớp trước lớp sau. Nếu không có cái trước thì không có cái sau. Đây là điều kiện thứ hai, điều kiện của sự liên tục như một những khoen của một vòng xích, có khoen này thì mới có khoen kia, cũng như không có ông bà, tổ tiên thì làm sao có cha mẹ và có chúng ta. Nhờ có cha mẹ nên chúng ta mới tiếp nối được.
  3. Duyên duyên hay Sở duyên duyên (Alambanapratyaya) là đối tượng của nhận thức. Có chủ thể thì phải có đối tượng. Cái ghét và cái thương đều phải có đối tượng của ghét và thương thì nó mới sinh khởi ra được; cái vui, cái buồn đều phải có đối tượng thì mới sinh khởi ra được. Vì vậy, điều kiện thứ ba là đối tượng.
  4. Tăng thượng duyên (Adhipatipratyaya) là điều kiện giúp cho những duyên khác có khả năng đưa ra đời một cái quả.

Có nhiều cách gieo duyên với Tam Bảo. Ngày xưa đức Phật ôm bình bát vào xóm làng khất thực là tìm người có duyên để độ và chưa có duyên để gieo duyên. Khi đạo Phật truyền sang các nước Á Đông, các bậc vua quan yêu cầu các Thầy ở yên một chỗ lo việc hóa đạo. Lối sinh hoạt này không tiện cho việc gieo duyên vì vậy trong những dịp lễ lớn, Phật tử đến cúng dường Tam Bảo. Đây cũng là hình thức gieo duyên.

Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bực của kỹ năng truyền thông, chúng ta có được rất nhiều phương tiện để gieo duyên với Tam Bảo. Đây là một nhân duyên thù thắng vì chúng ta có thể bố thí, cúng dường, hoằng dương chánh Pháp khắp nơi trên thế giới mà không cần phải đi đâu xa, kể cả những nơi chúng ta chưa bao giờ có dịp đặt chân đến.

Là con Phật, chúng ta phải học theo đức Phật là gieo duyên để truyền bá chánh Pháp. Để hoàn thành tâm nguyện này, chúng ta phải có sự hiểu biết về bốn duyên và về nghiệp cũng như quả của nghiệp. Không phải chỉ có Tăng Ni mới có thể gieo duyên bằng cách truyền bá Phật pháp. Phật tử hiểu đạo, biết tu, cũng có thể giúp chư Tăng Ni hoằng Pháp.

Mục đích chính của sự bố thí, cúng dường trong đạo phật là gieo duyên để truyền bá chánh Pháp tạo cơ hội cho mọi người phát tâm tới được chỗ an lành tự tại. Tuy nhiên, Phật tử chúng ta nếu không hiểu đạo có thể coi việc cúng dường là thù lao qua lại như những giao dịch khác. Thí dụ như mỗi khi gặp khó khăn hay làm việc gì quan trọng, chúng ta thường cúng dường để cầu Phật hay Bồ Tát giúp mình hay cúng dường để Thầy cầu siêu cho người thân. Theo Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì cúng dường như vậy chúng ta thấy yên tâm, nhưng đâu biết rằng chúng ta không gieo duyên được với Tam Bảo vì đây là một sự đổi chác sòng phẳng.

CÁC GIAI ĐOẠN TẠO PHƯỚC CỦA BỐ THÍ

Thiện ý khi bố thí gồm có ba giai đoạn gọi là Tư tiền (pubba cetana), Tư hiện (munca cetana), và Tư hậu (apara cetana).

  • Tư tiền (pubba cetana) – là thiện ý khởi lên khi chuẩn bị cho hành động bố thí. Nếu chúng ta cảm thấy hoan hỷ nhưng nhờ hiểu lý nhân duyên nên không kiêu mạn và không có tâm hơn thua, khen chê, hay cầu danh, v.v. trong suốt thời gian chuẩn bị này thì đây là Tư tiền chân thành và trong sạch. Ngoài ra, Chúng ta không nên so đo, tính toán, do dự trong việc bố thí vì như vậy sẽ giảm đi sự chân thành của Tư tiền.
  • Tư hiện (munca cetana) – là thiện ý khởi lên trong khi bố thí. Vào lúc bố thí, nếu chúng ta ngăn được những tâm bất thiện không cho khởi lên, và tránh dính mắc vào người thọ nhận, hoặc không mong đợi một sự đáp trả nào của người thọ nhận thì đây là Tư hiện chân thành và trong sạch. Ngoài ra, chúng ta không nên bố thí với mong cầu được hưởng phước thế gian như giàu sang, địa vị, danh vọng vì Tư hiện này thường đi kèm với tham ái.
  • Tư hậu (apara cetana) – là thiện ý khởi lên sau khi bố thí. Sau khi bố thí, nếu chúng ta hoan hỷ vì đã làm được một việc thiện và luôn nhớ lại nó cũng như ước mong sớm được lập lại việc bố thí này thì Tư hậu (apara cetana) của chúng ta đang phát triển. Tư hậu rất quan trọng trong việc tạo các thiện nghiệp trong tâm thức hay phước đức để sau đó sẽ cho những quả báo tương xứng. Phật tử chúng ta thường không dám nghĩ đến bố thí hay những điều tốt đã làm vì cho như vậy không cao thượng hoặc như vậy là có tâm mong cầu. Đây là sự lầm lẫn vô tâm bố thí với Tánh không bố thí. Vô tâm bố thí là bố thí không có ý thức hoặc không dám nghĩ là mình đang bố thí, còn Tánh Không bố thí là thấy các yếu tố tạo ra sự bố thí đều không có tự tánh. Nghĩa là đem trí tuệ Tánh không của các pháp áp dụng vào việc Bố thí.

Nếu chúng ta sau khi bố thí cảm thấy tiếc vật đã bố thí, hay cảm thấy thất vọng đối với người thọ nhận, hoặc hối tiếc về hành động bố thí của mình thì Tư hậu của chúng ta bị ô nhiễm. Trong trường hợp này, quả mà chúng ta nhận được do sự bố thí có thể sẽ là sự giàu có, nhưng chúng ta lại bỏn sẻn, không dám ăn xài, và đời sống không được hạnh phúc.

CÁC THIỆN NGHIỆP ĐƯỢC TẠO TỪ TÂM BỐ THÍ

Tuy bố thí là một hành động thiện, nhưng khi bố thí chúng ta thường bị thúc đẩy và ảnh hưởng bởi những năng lực hay nghiệp vi tế ẩn sâu trong tâm thức, gốc rễ từ tham, sân, si. Thí dụ như tâm tham là bố thí vì ham danh, ham được khen ngợi, hay mong được đền đáp hay biết ơn từ người thọ nhận; tâm sân thường được thể hiện như không bố thí hay cúng dường được cho những người mình không ưa thích, hoặc bố thí vì muốn hơn người; tâm si là lúc nào cũng cho là mình đúng nhưng không biết là hành động bố thí hay cúng dường của mình bị thúc đẩy và ảnh hưởng bởi tham, sân, si. Đạo Phật coi sự bố thí, dù rất hào phóng, mà bị chi phối hay thúc đẩy bởi tâm tham, sân, si là hạ liệt thí (hina dana) nên chỉ tạo được phước thấp và hạn hẹp trong luân hồi.

Để tạo công đức giác ngộ, giải thoát và khi chết khỏi bị đọa vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chúng ta phải thực hành hạnh bố thí, cúng dường hướng đến những Thiện nghiệp cao thượng (ukkattha kusala) được tạo bởi các tâm sở thiện (cetasikas) với không tham (alobha), không sân (adosa) và không si (amoha). Thiện nghiệp cao thương có hai loại là Tâm thiện nhị nhân và Tâm thiện tam nhân.

  • Tâm thiện nhị nhân (dvihetuka kusala citta) – Khi một người có tâm thiện cùng với không tham và không sân, thì tâm thiện của người ấy là Tâm thiện nhị nhân. Khi Tâm thiện nhị nhân khởi lên trong thời gian chuẩn bị cho hành động bố thí hay Tư tiền (pubba cetana) hoặc vào lúc sau khi bố thí hay Tư hậu (apara cetana) thì nghiệp bố thí đó được xếp vào loại Thiện nghiệp cao thượng (ukkattha kusala) có khả năng giúp chúng ta hưởng phước trong luân hồi và không bị đọa vào cảnh giới súc sanh hay ngạ quỷ.
  • Tâm thiện tam nhân (Tihetuka kusala citta) – Một tâm thiện kết hợp với ba nhân không tham, không sân và không si được gọi là Tâm thiện tam nhân. Khi Tâm thiện tam nhân khởi lên trong thời gian chuẩn bị cho hành động bố thí hay Tư tiền (pubba cetana) hoặc vào lúc sau khi bố thí hay Tư hậu (apara cetana) thì nghiệp bố thí đó được xếp vào loại Thiện nghiệp cao thượng (ukkattha kusala) có khả năng giúp chúng ta không bị đọa vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và chuyển hóa tâm thức để tạo công đức giác ngộ, giải thoát vượt khỏi luân hồi.

Chúng ta thường không có một Tâm thiện nhị nhân hay Tâm thiện tam nhân thuần nhất, nhưng nếu chúng ta tinh tấn bố thí theo lời Phật dạy hay bố thí đúng Pháp để phát triển trí tuệ và bồi đắp công đức vị tha thì chúng ta sẽ bớt tham, sân, si và lần hồi huân tập được Tâm thiện nhị nhân và Tâm thiện tam nhân.

Nếu chúng ta không biết, không để ý, hay không nhận ra Tác ý (cetana) hay chủ ý của chúng ta trong thời gian chuẩn bị cho hành động bố thí hay Tư tiền (pubba cetana) hoặc vào lúc sau khi bố thí hay Tư hậu (apara cetana),  thì nghiệp bố thí này được xếp vào loại Thiện nghiệp hạ liệt (omaka kusalakamma). Đây là trường hợp khi chúng ta cúng dường và bố thí mà thiếu suy nghĩ, hay làm theo tập quán cho được yên tâm, hoặc làm theo người khác, v.v.  Trong những trường hợp này, chúng ta bỏ lỡ đi cơ hội tích cực tạo các thiện nghiệp.

Nếu trước và sau khi bố thí mà chúng ta để những tâm bất thiện khởi lên thì chẳng những hành động bố thí của chúng ta bị ô nhiễm mà còn phát triển một thái độ sân hận bất thiện (akusala dosa) nữa.

CÁC THIỆN NGHIỆP ĐƯỢC TẠO RA TỪ MỤC ĐÍCH BỐ THÍ

Mục đích bố thí của chúng ta có ảnh hưởng trực tiếp đến các thiện nghiệp được tạo ra.  Một thiện sự, như bố thí, được làm không phải với hy vọng thoát khỏi luân hồi mà chỉ để thọ hưởng phước báu nhân thiên gọi là Thiện y chỉ luân hồi hay thiện trong luân hồi (vattanissita kusala). Một thiện sự được làm với hy vọng giải thoát, giác ngộ gọi là Thiện xuất ly luân hồi hay thiện sự không y tựa vào luân hồi (vivattanissita kusala).

Thiện y chỉ luân hồi hay thiện trong luân hồi là phước thế gian. Phước này không giúp được chúng ta thoát khỏi khổ đau của luân hồi. Ngược lại Thiện xuất ly luân hồi như Bố thí ba la mật (danaparami), với hy vọng giúp các chúng sinh hữu tình tự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, sẽ có năng lực trợ giúp chúng ta thành đạt nguyện ước cao quý là giải thoát, giác ngộ.

Thiện xuất ly luân hồi còn được gọi là Công đức. Trong Công đức có Phước đức, nhưng trong Phước đức không có Công đức. Xin xem thêm phần “CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?” trong phần GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

CÚNG DƯỜNG TAM BẢO

Cúng dường là một hình thức bố thí thường được dùng khi cúng dường để hộ trì Tam Bảo hoằng dương Phật pháp nghĩa là truyền bá những lời dạy hay giáo lý của đức Phật. Vì mục đích cao cả, rộng lớn của sự cúng dường là giúp cho Phật Pháp được trường tồn, để đưa chúng sinh ra khỏi khổ đau của sanh tử luân hồi, nên khi người Phật tử cúng dường Tam Bảo đúng Pháp thì lượng công đức đồng với Chánh pháp, nghĩa là công đức giải thoát khỏi các khổ đau của sanh tử luân hồi. Cúng dường đúng Pháp là cúng dường với sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, cùng với Thiện xuất ly luân hồi (vivattanissita kusala) và Tâm thiện tam nhân (Tihetuka kusala citta). Tuy không mong cầu phước đức thế gian, nhưng người Phật tử cúng dường đúng Pháp sẽ thường có một đời sống an vui, hạnh phúc, và luôn gặp thuận duyên trên đường tu học và hộ trì Tam Bảo.

  • Cúng Dường Phật Bảo – Là Phật tử, chúng ta phải tinh tấn cúng dường chư Phật và hồi hướng công đức cho quả giác ngộ. Nếu có đều kiện, chúng ta nên có một bàn thờ Phật tại nhà. Bàn thờ Phật phải được thiết lập thật trang nghiêm ở một nơi thanh tịnh nhất trong nhà, và lúc nào cũng phải giữ cho thật sạch sẽ. Ngoài việc về Chùa lễ Phật, chúng ta phải tôn kính cúng dường đến hình tượng đức Phật được thờ trong nhà mình. Chúng ta phải hướng chủ ý (cetana) của chúng ta vào tự thân đức Phật để Tư thiện (kusala cetana) phát sinh.

Hàng ngày chúng ta phải quy y Tam Bảo và cúng kính cúng dường nước, nhang, đèn. Vào những ngày rằm, mồng một và ngày lễ, chúng ta nên mua hoa và trái cây tươi để cúng Phật.

Phật dạy chúng ta là đúng như pháp tu hành là tối thượng cúng dường Phật vì vậy chúng ta phải luôn tinh tấn tu hành. Ngoài các chương trình tu tập theo pháp môn của mình, chúng ta nên tinh tấn nghe giảng, đọc sách, nghe giáo lý, học giáo lý để mở mang trí tuệ.

Đúc tượng, xây chùa, tạo tháp là những sự cúng dường có tầm mức to lớn. Khi cúng dường có tầm mức to lớn, chúng ta thường gặp phải sự cản trở từ chính nội tâm của mình và từ những cản trở, đôi khi rất mãnh liệt, từ bên ngoài. Vì vậy, khi phát tâm cúng dường với tầm mức to lớn, chúng ta phải sống thật đạo đức, giữ giới, tinh tấn tu hành và tạo nhiều công đức để hồi hướng cầu Chư Phật gia hộ cho việc cúng dường của mình được thành tựu viên mãn.

  • Cúng Dường Pháp Bảo – Cúng Dường Pháp Bảo hay Pháp thí là tinh tấn không mỏi mệt, thiền định không gián đoạn, trí tuệ không điên đảo, thuyết pháp độ sinh. Đối với hàng Phật tử tại gia, chúng ta có thể cúng dường Pháp bằng cách tinh tấn tu hành và giúp chư Tăng Ni hoằng dương chánh Pháp, giúp đỡ các chương trình tu học ở các Chùa, những Trung tâm tu học, và giúp phương tiện cho các Pháp sư giảng Pháp. Chúng ta phải luôn ý thức là cúng dường Pháp để dẫn người đến gần hơn với con đường giác ngộ thì mới tạo được phước đức.

Khi cúng dường, chúng ta phải tìm hiểu xem Chùa hay các Trung tâm tu học mà chúng ta muốn cúng dường có dùng tiền cúng dường của Phật tử vào việc tu học và cho những hoạt động hoằng dương chánh Pháp hay không. Nếu chúng ta cúng dường cho những Pháp Sư giảng dạy không đúng với Pháp hoặc sai lạc Kinh giáo để cầu danh, thu hút tín đồ, mê hoặc lòng người, hoặc vì lợi ích cá nhân, v.v. thì rất có hại cho Phật Pháp. Nếu Phật tử cúng dường giúp phương tiện phổ biến Pháp thí có tà kiến thì không những phước đức kém đi mà còn vô tình tạo nghiệp xấu nữa vì hại đến uy tín Tam Bảo.

  • Cúng Dường Tăng Bảo – Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ nói: “Phật là giác vậy, pháp là chánh vậy, tăng là tịnh vậy”. Vậy cúng dường Tăng Bảo là cúng dường cho một đoàn thể sống hòa hợp, thanh tịnh để tu học và hoằng dương Phật pháp. Người Phật tử cần biết là người xuất gia, không hẳn ai cũng là người tu. Nhưng người tu hành và hoằng dương Chánh Pháp thì không phải ai cũng xuất gia. Thí dụ như rất nhiều các Trung Tâm Tu Học ở Mỹ do người Mỹ thành lập và điều hành không có Thầy Trụ Trì, và hầu hết các Trung Tâm Tu Học trong tổ chức FPMT (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition – Tổ Chức Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa) cũng không có Thầy Trụ Trì và đều được thành lập, quản trị và điều hành bởi Phật tử tại gia. Xin xem thêm bài viết “NHỮNG YẾU TỐ THÀNH CÔNG CỦA TỔ CHỨC PHẬT GIÁO TÂY TẠNG FPMT Ở HẢI NGOẠI

Nhờ học hỏi, hiểu biết, và thực hành cúng dường đúng Pháp, chúng ta có thể tích cực đóng góp vào việc hoằng dương Chánh pháp qua sự cúng dường Tăng và tạo được nhiều phước đức. Khi chuẩn bị vật cúng dường cho chư Tăng hay một đoàn thể tu hành thanh tịnh, người Phật tử phải gạt bỏ bất kỳ sự dính mắc nào như đây là Thầy ta (sayadaw) hay đây là Chùa mình, v.v. Mặc dù bạn cúng dường cho một vị Thầy, một ngôi Chùa, một trung tâm tu học hay một đoàn thể tu học, việc cúng dường chỉ có thể tạo được lợi ích của Tăng thí khi thái độ cúng dường cũng như tâm thức của bạn thực lòng hướng đến đoàn thể thanh tịnh, hòa hợp tu học và hoằng dương Phật pháp để lợi lạc  chúng sanh. Nghĩa là, khi chuẩn bị cúng dường, trong khi cúng dường, và sau khi cúng dường, tâm của bạn phải luôn hướng về Tam Bảo và nghĩ đến lợi ích của Phật pháp và mong muốn mọi thành viên trong đoàn thể tu học thanh tịnh đều được hưởng hay có quyền đối với những vật cúng dường của bạn. Đây là bạn biết dụng tâm cúng dường đúng Pháp. Nếu trong tâm bạn chỉ nghĩ đến một vị Thầy đặc biệt nào hay một ngôi Chùa đặc biệt nào, mà không nghĩ nhiều đến việc hoằng dương Phật pháp để lợi lạc chúng sanh, thì sự bố thí của bạn không còn là Tăng thí (sanghika dana) nữa.

Tuy Tăng thí được xem như thắng xa mọi hình thức bố thí khác, nhưng nếu bạn chọn người thọ nhận theo tính cách cá nhân hay vì cảm tính thì sự bố thí của bạn trở thành cá nhân thí (puggalika dana). Khi bố thí như vậy, dù cho bạn có cúng dường vật thực đến rất nhiều vị Tăng, bạn cũng chỉ tạo được thiện nghiệp hay phước từ cá nhân thí mà thôi. Tăng thí, như đã trình bày ở trên, có hiệu dụng như sự hướng tâm cúng dường của bạn đến các vị Tỳ Khưu thánh thiện nhất, trong khi áp dụng cá nhân thí thì bạn cần phải chọn lựa thật cẩn thận vị Thầy thọ nhận. Thí dụ như nếu vị Thầy dùng tiền cúng dường của bạn để mua những đồ hiệu hay các hàng hóa cao cấp để dùng cho cá nhân và không cần thiết cho việc tu học hay hoằng Pháp lợi sanh thì bạn không tạo được phước đức từ Tăng thí mà hành động bố thí của bạn là cá nhân thí và có thể chỉ là một sự vay trả trong luân hồi. Những đồ hiệu hay các hàng hóa cao cấp này, khi được dùng thường xuyên thành một thói quen, có thể kích thích lòng ham muốn và làm cản trở việc tu hành của vị Thầy mà bạn cúng dường. Trong trường hợp này, bạn đã vì thiếu hiểu biết mà vô tình tạo nghiệp xấu. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng Tăng thí dễ áp dụng và đem lại lợi ích nhiều hơn cá nhân thí.

BỐ THÍ LÀ PHƯƠNG TIỆN TU HẠNH BỒ TÁT

Tỳ khưu (bhiksu) hàm nghĩa trên thì cầu Phật Pháp để nuôi tâm và dưới thì xin đồ ăn để nuôi thân. Nhưng làm sao để hàng phục tâm hay trụ tâm. Kinh Kim Cang nói tu hạnh Bồ tát không chấp tướng tức là yên trụ Bồ đề tâm. Toàn bộ Kinh Kim Cang, từ đầu đến cuối, đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề phải phá ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Ngã tướng là coi thân do tứ đại, ngũ ấm hòa hợp là thân ta; từ thân ta, nên thấy mình là mình và thấy người khác là nhân tướng; thấy hình tướng của chín loài chúng sanh là chúng sanh tướng; và chấp vào tính mạng lâu dài của hình tướng là thọ giả tướng. Vì những sự lầm lẫn này, nên chúng ta luôn yêu mến, tranh danh đoạt lợi, khoe khoang cho thân. Tính toán cho thân mình, rồi lo cho và khoe khoang con cháu đều thuộc về ngã tướng cả. Vì chấp vào nhân tướng, nên chúng ta suốt ngày chạy theo người có thế lợi, hà hiếp người yếu đối, ganh ghét người hơn mình, bỏn sẻn đối với mọi người, v.v. Chúng sanh tướng là chấp vào sự hòa hợp của sắc, thọ, tưởng, hành nên thấy mọi loài chúng sanh là thật nên từ đó sinh ra ái nhiễm, si mê, tham lam, giận tức, v.v. Thọ giả tướng là thấy ta có mạng sống nên cầu cho phước hiện tại, cầu được sống lâu, không già, v.v.

Đời sống chúng ta luôn bị chi phối và chịu ảnh hưởng của sự nhầm lẫn cơ bản về ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng nên mới tạo ra các khổ đau được diễn tả trong Khổ Đế. Căn bản là hành uẩn có khả năng chủ đạo tạo nghiệp, dẫn dắt chúng sanh trôi lăn trong bể khổ luân hồi từ đó sinh ra khổ về sinh, già, bệnh và chết và khổ vì những sự thay đổi trong cuộc sống.

Sự đi khất thực của đức Phật và chư Tỳ khưu là để gieo duyên và dạy cho chúng sanh hạnh bố thí là một phương tiện để diệt khổ. Thứ lớp đi khất thực là tiêu biểu sự nhẫn nại, kiên tâm, không phân biệt nghèo giàu, với lòng đại từ bình đẳng. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta thấy tuy Phật Pháp có lục độ là: 1) Bố thí độ bỏn sẻn, tham lam; 2) trì giới thì độ phá giới; 3) nhẫn nhục độ giận tức; 4) tinh tấn độ biếng nhác; 5) thiền định độ tán loạn; 6) trí tuệ độ ngu si, nhưng trong kinh Kim Cang chỉ nhắc đi nhắc lại những lời dạy của đức Phật về bố thí để biểu trưng cho sự không chấp tướng mà không nói đến các độ khác. Trong kinh Phật dạy Bồ tát bố thí nhưng nếu tâm còn chấp tướng thì mặc dù có phước đức, nhưng không nhiều. Nếu xa lìa được chấp tướng, tức an trụ Bồ đề tâm khi bố thí, thì tạo phước đức không thể suy lường (cũng có nghĩa là có khả năng diệt khổ). Bố thí mà chấp tướng thì phước đức không nhiều là vì tất cả pháp hữu vi trong thế gian đều từ vọng tâm sinh khởi trong bể khổ luân hồi, nên nói tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt. Xa lìa chấp tướng khi bố thí thì phước đức không thể suy lường là vì tâm là tâm thể, pháp là tâm tướng, tâm tướng có sinh diệt, nhưng bản thể của tâm thì không sinh diệt. Bản thể của tâm yên tĩnh, lặng lẽ, thường trú không dời đổi. Thế nên, chư Tổ thường dạy dùng của bố thí, không bằng đem Pháp bố thí. Tài thí có hết, pháp thí không cùng tận.

PHẦN THỰC HÀNH

Nhiều người siêng năng đi chùa và nghe băng giảng, nhưng vì thiếu thực hành nên lời dạy của đức Phật không được thể hiện trong đời sống và trong sự tu học của họ. Đây là điều đáng tiếc vì đạo Phật là con đường thực hành. Lý thuyết chỉ có giá trị khi nó được dùng để giúp chúng ta thực hành đúng Pháp. Để huân tập bố thí theo lời Phật dạy hay đúng Pháp, chúng ta nên áp dụng phương pháp văn, tư, tu, gọi là tam học. Văn là giáo lý mình học. Tư là suy gẫm, tư duy, quán chiếu những lời dạy của Phật từ giáo lý, và chúng ta phải hiểu và phải thẩm xét giá trị ứng dụng của những giáo lý này. Tư là đem kinh nghiệm, đem sự hiểu biết, sự bố thí chúng ta đã và đang làm để xét nghiệm những giáo lý đã học được hầu giúp mình sửa đổi, hoàn chỉnh hạnh bố thí và những thắc mắc của mình. Tu là thực tập và áp dụng dựa trên sự học hỏi và tư duy của mình.

Nhờ quá trình văn, tư và tu mà lời nói và hành động của chúng ta mỗi lúc mỗi tương ứng. Nghĩa là lời nói của ta đi đôi với hành động, ngôn hành tương ưng.

Dưới đây là một vài thí dụ và những điều cần biết để có thể giúp chúng ta trong tiến trình bố thí đúng Pháp.

NHỮNG BỐ THÍ KHÓ LÀM

Hầu hết chúng ta ai cũng tin bố thí mang lại nhiều lợi lạc, nhưng bố thí cho những người mình không ưa thích thì chúng ta, kể cả những người hiểu đạo, khó làm được. Nhưng nếu chúng ta thực hiện được việc khó làm này nghĩa là có thể bố thí hay cúng dường cho những người hay nơi mình không ưa thích nhưng có lợi ích cho chúng sanh, thì hành động bố thí này sẽ tạo được một Tư thí (cetana dana) mãnh liệt, mạnh mẽ và những thiện nghiệp có thể giúp chúng ta phát triển trí tuệ và bồi đắp công đức vị tha. Đây là bố thí đúng Pháp.

Nếu chúng ta không thể bố thí được cho những người mình không ưa thích thì chúng ta phải tự hiểu là sự bố thí của mình bị ảnh hưởng bởi tâm sân. Vì sự cản trở của tâm sân nên chúng bỏ lỡ đi cơ hội bố thí đúng hoàn cảnh, thời điểm và đối tượng. Bố thí mà bị ảnh hưởng bởi tâm sân là bố thí không đúng Pháp. Để vượt qua thử thách này, chúng ta nên tu tập quán từ bi, và học hỏi thêm về lý nhân duyên.

BỐ THÍ DỄ LÀM

Bố thí hay cúng dường cho những người mình ưa thích thì rất dễ và ai cũng có thể làm được. Hơn nữa, hình như ai cũng làm vậy và coi đây là chuyện đương nhiên, nên làm. Thí dụ như chúng ta bố thí hay cho tiền cha mẹ, con cái, hay người thân, hay cúng dường cho những Thầy hay chùa mình thích, v.v.

Nếu không hiểu mục đích cúng dường trong đạo Phật thì chúng ta thường cúng dường theo cảm tính như vậy. Nghĩa là chúng ta chỉ cúng dường những Thầy hay những Chùa chúng ta ưa thích. Như đã trình bày trong phần Cúng Dường Tăng Bảo, tuy Tăng thí được xem như thắng xa mọi hình thức bố thí khác, nhưng nếu bạn chọn người thọ nhận theo tính cách cá nhân hay vì cảm tính ưa thích thì sự bố thí của bạn trở thành cá nhân thí (puggalika dana). Khi cúng dường như vậy, và không hướng về Tam Bảo và lợi ích của Phật pháp, thì dù cho bạn có cúng dường vật thực đến rất nhiều vị Tăng, bạn cũng chỉ tạo được thiện nghiệp hay phước từ cá nhân thí mà thôi.

Theo luật nhân quả thì bố thí là một hành động thiện nên sẽ tạo được những nghiệp thiện. Tuy nhiên, cúng dường hay bố thí theo sự ưa thích cá nhân chỉ tạo được một Tư thí (cetana dana) và những thiện nghiệp rất yếu ớt vì trong tiềm thức chúng ta coi những đối tượng này là của mình và bố thí thì cũng như một phần nào cho lại mình nên không cần phải hy sinh hay cố gắng nhiều.  Hơn nữa, hành động bố thí hay cúng dường mà bị ảnh hưởng bởi tình cảm là Thiện y chỉ luân hồi hay việc thiện trong luân hồi (vattanissita kusala).

Nếu muốn khỏi bị đọa vào ba đường ác thì chúng ta phải bố thí hay cúng dường đúng Pháp để phát triển trí tuệ có năng lực thúc đẩy chúng ta vượt thoát khỏi sanh tử luân hồi và trợ giúp chúng ta thành đạt nguyện ước cao quý là giải thoát, giác ngộ. Hành động bố thí này là Thiện xuất ly luân hồi hay việc thiện không dựa vào luân hồi (vivattanissita kusala).

BỐ THÍ KHÔNG CHẤP VÀO HÌNH TƯỚNG

Như đã trình bày ở trên, cùng một hành động cúng dường hay bố thí, nhưng nếu chấp tướng rồi khởi tâm phân biệt hay bị tình cảm chi phối thì chúng ta liền cảm thấy thích hay không thích làm. Làm theo sự ưa thích thì không tạo được nhiều phước đức và lần hồi có thể đưa đến tham đắm. Vì không ưa thích nên không bố thí, cúng dường thì bỏ lỡ đi cơ hội tạo phước đức khi bố thí đúng đối tượng, hoàn cảnh, thời điểm, và có thể làm tâm bất an hay đưa đến sân hận. Cúng dường mà chấp vào hình tướng và khởi tâm phân biệt hay bị tình cảm chi phối thì là cá nhân thí và là một sự vay trả theo luật nhân quả.

Nhưng cúng dường, bố thí mà không chấp vào hình tướng để phát triển trí tuệ và bồi đắp công đức vị tha thì rất khó làm. Chúng ta thường không có khả năng này, nhưng Bố thí đúng Pháp là một phương tiện có hiệu năng giúp chúng ta từ từ bào mòn bản ngã, bớt ích kỷ, bớt tham sân si hướng về mục đích phá ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Nếu chúng ta tinh tấn bố thí theo lời Phật dạy và khéo léo dụng tâm và áp dụng phương tiện thì chúng ta sẽ quen lần và lần hồi huân tập được pháp bố thí không chấp vào hình tướng.

Thí dụ như chúng ta có thể huân tập hạnh, bố thí không chấp vào hình tướng và không bị ảnh hưởng bởi tình cảm cá nhân bằng cách cúng dường cho một ngôi chùa, có nhiều chương trình tu học và các hoạt động hoằng dương Chánh Pháp, đang cần sự giúp đỡ mặc dù chúng ta chưa có dịp đến viếng chùa này.

Chúng ta cũng có thể dùng phương tiện cúng dường hay bố thí online để giúp rất nhiều người không phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới được học hỏi Phật pháp. Thành lập được một lớp học Phật Pháp cho một vài chục người ở Mỹ tham dự cũng không dễ, nhưng chúng ta có thể cúng dường giúp đỡ những trang mạng Phật Pháp online mà hàng ngày có cả ngàn người trên khắp thế giới vào xem thì rất lợi lạc cho việc hoằng Pháp lợi sanh. Giúp đỡ một trang mạng Phật Pháp online có khả năng thúc đẩy một Tư thí rất mãnh liệt để tạo ra những thiện nghiệp trong tâm thức và không bị ảnh hưởng bởi cảm tính hay mong cầu, chấp trước.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể giúp đỡ Chùa hay các cơ quan từ thiện bằng cách mua hàng trên AmazonSmile hay các chương trình tài trợ từ thiện khác. Chương trình AmazonSmile được thành lập với mục đích cho chúng ta thêm một phương tiện để giúp đỡ một phần nhỏ cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện trong khi mua sắm, mà không phải trả thêm bất kỳ khoản kinh phí nào, chứ không nhằm mục đích thay thế việc cúng dường hay bố thí cá nhân. Mua hàng qua AmazonSmile cũng là một phương tiện giúp chúng ta nghĩ đến một ngôi chùa hay một cơ quan từ thiện mà chúng ta đang giúp đỡ trong khi mua sắm online. Tích cực hơn nữa là chúng ta nên tinh tấn phổ biến những chương trình này đến bạn bè và người thân của mình.

CÚNG DƯỜNG TƯỢNG PHẬT

Cúng dường tượng Phật, hay các hình tượng hoặc đồ vật khác, thường là một phương tiện các chùa dùng để gây quỹ làm Phật sự. Vì từ “phương tiện” chỉ có thể dùng với mục đích để độ sanh hay với Bồ đề tâm, nên khi cúng dường tượng Phật, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem Chùa hay các Trung tâm tu học mà chúng ta muốn cúng dường có dùng tiền cúng dường tượng Phật của Phật tử vào việc tu học và cho những hoạt động hoằng dương chánh Pháp hay không.

Khi cúng dường tượng Phật để giúp cho những cơ sở hay các chương trình hoằng dương Phật Pháp, chúng ta nên cúng dường với tâm nguyện khát khao được gặp Phật, khát khao được sanh về cõi Phật, khát khao được cúng dường vô lượng chư Phật, khát khao được gần gũi phụng sự vô biên tất cả chư Phật. Chúng ta cũng nên cúng dường với tâm nguyện thiết tha hồi hướng cho quả giác ngộ để chúng ta có được sự gia trì của chư Phật chư đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư Long Thần Hộ Pháp trên đường tu học giải thoát.

Phật tử Tây Tạng rất coi trọng việc cúng dường tượng Phật như vị Phật tương lai của mình. Họ cũng thường cúng dường tượng Phật thay cho người thân khi còn sống hay đã qua đời để hồi hướng công đức cho quả giác ngộ giải thoát.

CẦU NGUYỆN, PHÁT NGUYỆN, HỒI HƯỚNG, TÙY HỶ CÔNG ĐỨC

Cùng một hành động bố thí, người thí, vật thí, người nhận và hoàn cảnh, mà có quả báo khác nhau là vì Tác ý tư tâm sở (cetana) như sự cầu nguyện, lòng chí thành, tâm phát nguyện, hồi hướng, tùy hỷ công đức khác nhau nên tạo ra các thiện nghiệp hay phước khác nhau.

Khi bố thí, cúng dường, chúng ta thường hay cầu nguyện. Tuy đối tượng cầu nguyện có được lợi ích, nhưng đây chỉ là trợ duyên và chúng ta phải hiểu là nếu các ước mong của cầu nguyện hướng về tư lợi, tư hữu thì sự cầu nguyện của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tâm tham. Ngược lại, cầu nguyện vì tính cách vị tha hướng đến phúc lợi và hạnh phúc của người khác là sự cầu nguyện mang tính cách thiện ích.

Khi chúng ta quyết định sẽ cố gắng đạt cho được mục đích hay điều ước muốn thì gọi là nguyện, còn hồi hướng là hiến tặng phước đức của bạn cho một đối tượng với mục đích trải rộng tâm từ, tăng trưởng thiện duyên, cầu mong cho chúng sanh đều thoát ly khổ não và giác ngộ giải thoát.

Mỗi khi bố thí, chúng ta phải tập dụng tâm để ý thức phát nguyện việc bố thí mình sẽ làm và sau khi bố thí xong thì hồi hướng công đức. Nếu không phát nguyện trước khi bố thí và hồi hướng sau khi bố thí được thì chúng ta cũng có thể phát nguyện vào buổi sáng và hồi hướng vào buổi chiều trước bàn thờ Phật. Nếu không phát nguyện và hồi hướng bằng lời được thì chúng ta phát nguyện và hồi hướng thầm trong lòng cũng được. Chúng ta có thể học theo những bài phát nguyện và hồi hướng ngắn ở trong các bài kinh nhật tụng để phát nguyện và hồi hướng theo tâm nguyện và theo pháp môn của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải có một niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo và chúng ta phải chí thành tha thiết khi phát nguyện và hồi hướng.

Khi thấy người khác bố thí ta nên hoan hỷ tán thán khen ngợi, làm cho người đang bố thí sanh tâm hoan hỷ. Nếu như họ cần đến sự giúp đỡ của mình, thì nên phát nguyện đem sức của mình, nhân duyên của mình trợ giúp cho họ làm việc bố thí. Nếu thực hành Pháp tùy hỷ công đức được như vậy thì mình sẽ được tăng phước, gieo duyên với nghiệp lành, kết duyên với Tam Bảo và gặp nhiều thuận duyên trong việc tu hành.

Lòng chí thành, tâm phát nguyện, hồi hướng, và tùy hỷ công đức luôn đóng vai trò rất quan trọng để thể hiện, thúc đẩy, khơi dậy một Tư thí (cetana dana) mạnh mẽ. Nếu chúng ta bố thí mà không có lòng chí thành và không biết phát nguyện, hồi hướng, và tùy hỷ công đức thì chúng ta bỏ lỡ đi cơ hội hướng gởi, chia sẻ phước đức, phát triển tâm từ bi, và tích cực tạo ra những thiện nghiệp trong tâm thức.

Bố thí (dana) là một pháp hành căn bản không thể thiếu của Phật giáo. Là Phật tử, chúng ta phải tích cực tạo cho mình một số vốn liếng phước đức hay nghiệp lành. Khi nào số vốn liếng này được cộng thêm với các phẩm tính đạo đức khác, và những kết quả tu tập hay chuyển hóa tâm thức, thì vốn liếng đó sẽ càng trở nên phong phú hơn, hầu giúp chúng ta trên con đường giác ngộ, giải thoát.

LỢI ÍCH CỦA SỰ BỐ THÍ

Phật dạy bố thí là cơ hội để cho chúng sanh thực hành Bồ Tát Đạo, nghĩa là phát triển tâm từ bi bằng cách đem lợi ích cho chúng sanh và bồi đắp công đức cho sự giải thoát khỏi các khổ đau của sanh tử luân hồi.  Người Phật tử bố thí đúng Pháp thì công đức vô lượng không thể nghĩ bàn, và tuy không mong cầu phước đức thế gian nhưng họ thường có một đời sống an vui, hạnh phúc, và luôn gặp thuận duyên trên đường tu học và hộ trì Tam Bảo.

Bố thí giúp bạn thấy bi mẫn với những người nghèo khó. Tâm bi mẫn này thúc đẩy lòng từ ái (metta) với mọi loài chúng sinh. Nhờ lòng từ ái mà bạn dễ tùy hỷ (mudita) với những người giàu sang hay hơn bạn. Sự vắng mặt của tham, sân, si nhờ thực hành bố thí giúp bạn luôn an lành và hoan hỷ. Hơn nữa, những người thọ nhận sự bố thí thường có lòng từ ái với bạn. Thí chủ càng quảng đại, người thọ nhận sẽ càng nhiều; Người thọ nhận càng nhiều, thí chủ càng tạo được nhiều phước đức. Như vậy, một hành động bố thí sẽ giúp chúng ta phát triển cả bốn tâm cao thượng, nền tảng của sáu hạnh Ba La Mật, là từ, bi, hỷ, xả. Vì vậy người tu Tịnh Độ, Thiền Tông, hay Mật Tông cũng nên tu thêm Pháp Bố Thí vì trọng tâm của Phật giáo là từ bi và tuệ giác.

Theo luật nhân quả thì: “Người bố thí rộng rãi trong kiếp trước là người giàu sang trong kiếp này; người bố thí rộng rãi trong kiếp này sẽ là người giàu sang trong những kiếp tương lai”. Người Phật tử phải hiểu là của cải không thể đi theo mình sang đời sau được và cho đi là một cách để dành khôn khéo chứ không phải là mất. Vì vậy, ngoài một phần tài sản chúng ta dành cho những người thừa kế, trong lúc còn sống, chúng ta phải dành một phần tài sản để cúng dường giúp đỡ các chương trình hoằng Pháp lợi sanh hay bố thí cho những người nghèo khó. Chỉ khi đó chúng ta mới giữ được tài sản trong đời này và được giàu sang trong những đời sau cho tới lúc giải thoát, giác ngộ.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có biết bao nhiêu người bị bệnh và chết vì uống rượu và hút thuốc vì họ không có đủ nghị lực để có thể từ bỏ sự đam mê của uống rượu và hút thuốc chứ không phải vì họ không biết sự nguy hại của thuốc và rượu. Cũng vậy, rất nhiều người trong chúng ta không tinh tấn thực hành bố thí, hay bỏ lỡ cơ hội bố thí để có được một đời sống giàu sang, hạnh phúc trong tương lai, vì chúng ta  tuy có tin nhân quả nhưng vì không có Chánh kiến (sammaditthi) hay là sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp nên đây được coi như chưa tin sâu nhân quả chứ không phải là chúng ta không biết sự lợi ích của bố thí.

Nếu chúng ta thực hành cúng dường, bố thí đúng Pháp nghĩa là không chấp tướng thì việc làm này của chúng ta đôi khi không hợp ý với một số người nên chúng ta có thể bị chê trách hay bị tẩy chay. Đức Phật đã thấy trước được điều này, nên trong Kinh Kim Cang, Phẩm “Trừ Hết Nghiệp Chướng”, có đoạn “Lại nữa, nầy Tu Bồ Đề, như thiện nam hay tín nữ nào đọc tụng kinh nầy (ý nói là phá ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng), nếu bị người khinh chê, vì tội nghiệp đã gây ra trong đời trước, đáng lẽ người đó sẽ phải đọa vào ác đạo, nhưng trong đời nay, bị người khinh chê, nên không những tội nghiệp đã gây ra trong đời trước được tiêu diệt, người ấy còn được Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Nếu chúng ta thường phát tâm cúng dường và bố thí mà gia đình không mấy an vui và sự tu hành của mình không mấy tiến bộ, thì rất có thể vì chúng ta đã không bố thí đúng Pháp. Nếu chúng ta thấy mình gặp nhiều trở ngại khi bố thí thì chúng ta phải luôn giữ tín tâm, cố gắng tinh tấn hơn, và huân tập Chánh kiến để giúp chúng ta vượt qua những trở ngại hay chướng duyên khi bố thí.

Quý Phật tử có thể tham khảo thêm các câu hỏi và trả lời về hạnh bố thí trong phần GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. Mong rằng bài viết này được phổ biến đến những Phật tử muốn tìm hiểu về công đức bố thí  để chúng ta cùng tham khảo và áp dụng.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử có một đời sống an vui, hạnh phúc, luôn gặp thuận duyên thực hành bố thí, đầy hỷ lạc trong công trình tu tập và phụng sự Tam Bảo.

 

Phạm Nam Sơn, pd Thị Phước

< Tháng Một 2023 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

 

Join Our Mailing List

 

Cúng Dường Tam Bảo

   CÚNG DƯỜNG   

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 MẪU XIN CẦU AN & CẦU SIÊU 

Round Logo white