Ảnh Hưởng Của Tập Quán Nghiệp Khi Đến Chùa
Tập Quán Nghiệp là những hành động tạo tác của thân, khẩu, ý do ảnh hưởng của tập quán xã hội. Tập Quán Nghiệp trực tiếp chi phối Tích Lũy Nghiệp và Cận Tử Nghiệp nên rất quan trọng quyết định cảnh giới tái sinh. Vì bị ảnh hưởng bởi tập quán, nên chúng ta rất khó cưỡng lại loại nghiệp này và người tạo nghiệp thường cho là mình đúng dù đang tạo thêm nghiệp xấu. Dưới đây là một số trường hợp mà người Phật tử phải luôn cảnh giác khi đến chùa để tránh vô tình tạo nghiệp xấu bởi sự chi phối của Tập Quán Nghiệp.
Khen mình chê người – Ca tụng Pháp môn mình thích trong khi coi thường, chỉ trích, hay chê các Pháp môn khác. Đây là vô tình tạo nghiệp hủy báng Phật Pháp vì Pháp môn nào cũng là Phật Pháp. Trong bài giảng Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, Pháp Sư Tịnh Không gọi đây là “bệnh tự khen mình, chê người”.
Tôn sùng thầy – Có nhiều Phật tử người Á Châu vì muốn tạo phước nên rất tôn sùng thầy. Thí dụ như sợ thầy, biết thầy sai mà vẫn nghe theo và không dám có ý kiến, luôn tán thán thầy, không dám đi hay giúp chùa khác vì sợ thầy giận, v.v. Phật tử người Mỹ và Âu Châu không có tập quán này. Theo lý mà xét đoán thì tôn sùng thầy không tạo được phước vì chỉ có những người tham danh, hám lợi, thích địa vị mới muốn được tôn sùng chứ sự tôn sùng không đem lại lợi ích gì cho người tu sĩ Phật Giáo. Nếu chúng ta tôn sùng một vị thầy giữ giới và tu hành nghiêm túc thì chúng ta phạm lỗi coi thường, bất kính với vị này. Nếu chúng ta tôn sùng một vị thầy còn ham danh lợi, địa vị thì không những chúng ta không tạo được phước mà có thể còn làm gia tăng bản ngã làm thầy luyến tục, khó tu hơn. Như vậy, trong cả hai trường hợp, chẳng ích lợi gì cho cả đôi bên. Hơn nữa tập quán này còn có hại cho tương lai Phật Pháp vì một khi được tôn sùng thì vị thầy có thể sẽ thấy mình lúc nào cũng đúng nên không cần phải học hỏi, sửa đổi và không có lý do để hướng thiện nữa.
Người Phật tử hiểu đạo thì như lý tác ý nên không tạo nghiệp xấu nghĩa là tác ý đúng Pháp như luôn kính tăng nhưng không tôn sùng thầy. Trong bài viết “Công Trình Giáo Dục Của Phật Giáo Tại Mỹ” (https://www.chuanganphat.org/language/vi/tham-luan/), Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đề nghị Phật Giáo Việt Nam phải “Bỏ bớt những hình thức rườm rà lễ mạo, những tập tục không cần thiết, những tín ngưỡng nặng giáo điều và sùng thượng cuồng dại thành phần Tăng lữ”.
Chấp trước – Căn bản của đạo Phật là buông bỏ. Không phải buông bỏ gia đình, bạn bè, công việc, mà là buông bỏ phân biệt, chấp trước. Nếu chúng ta còn nhiều chấp trước thì sự đi chùa, tu học hay làm các Phật sự của chúng ta chỉ có phần hình thức của đạo Phật chứ thực chất của đạo Phật thì không còn bao nhiêu vì vậy không tạo được công đức. Thí dụ như khi đến chùa mặc dù chúng ta rất tích cực cúng dường một vị thầy, hay giúp đỡ một ngôi chùa, hoặc làm một Phật sự để tạo công đức, nhưng lần hồi do vì quá tích cực, hăng say nên chúng ta sinh ra phân biệt, chấp trước, dính mắc như cảm thấy đây là chùa hay thầy của mình rồi từ đó lại sinh ra chỉ trích, nói xấu Phật tử hay chùa mình không thích. Đây là tạo nghiệp phá sự hòa hợp giữa các chùa và Phật tử với nhau. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm 41, có câu “Lại có chúng sinh tuy có gieo căn lành, tạo phúc lớn, nhưng vẫn giữ tâm phân biệt, tình chấp sâu nặng, cũng cầu thoát luân hồi, nhưng không thoát được”
Ganh tỵ – Phật dạy: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ”. Tâm ganh tỵ phá hoại bồ đề tâm và các công đức, và là chướng ngại rất lớn trên bước đường tu. Lòng ganh tỵ có thể hiểu là sự khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Tuy sự ganh ghét, đố kỵ ảnh hưởng bởi tập quán nghiệp với những người có cùng Cộng Nghiệp rất khó bỏ và đòi hỏi nhiều cố gắng huân tu, nhưng khi đến chùa là nơi thanh tịnh thì người Phật tử phải tự thấy hổ thẹn. Hãy tích cực chuyển hóa tâm ghen ghét của mình để tạo công đức bằng cách huân tập phát triển lòng từ, sanh tâm hoan hỷ với những Phật tử chuyên cần tu tập, hộ trì Tam Bảo, và những Phật sự hoằng Pháp lợi sanh.
Trọng hình thức – Sau khi được truyền vào Trung Hoa, Phật Giáo đã trở thành một trong ba tôn giáo chính trong đó có Khổng Giáo, và Lão Giáo. Vì là một tôn giáo ngoại nhập từ Ấn Độ nên Phật giáo đã được người Trung Hoa điều chỉnh để giảm đi sự khác biệt với Khổng Giáo và Lão Giáo cho phù hợp với tâm lý địa phương.
Phật Giáo Phát Triển (Đại Thừa) được truyền truyền từ Trung Hoa vào Việt nam khoảng hơn 2,000 năm trước vì vậy Phật Giáo Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi những nghi lễ của Lão Giáo, Khổng Giáo, và tín ngưỡng nhân gian như các nghi lễ tế tự, thờ cúng tổ tiên, tang lễ, cúng vong, cúng sao, bùa, chú, trừ tà, chữa bệnh, coi bói, phong thủy, đốt vàng mã, v.v.
Giáo lý của Đức Phật, dựa trên luật nhân quả, đặt trọng tâm dùng từ bi và trí tuệ để chuyển hóa tâm hay tu tâm để diệt khổ. Vì vậy dù chúng ta có siêng năng, tinh tấn, về chùa lễ Phật, cúng dường, làm công quả, nhưng nếu chúng ta chỉ trọng vào những phong tục, tập quán, và hình thức lễ bái mà không học hỏi giáo lý để tư duy và thực hành lời Phật dạy thì kết quả sẽ rất giới hạn. Hơn nữa nếu chúng ta quá chú trọng vào hình thức thì lần hồi có thể trở thành mê tín (tin vào những điều không phải do Đức Phật nói ra) nên không được sự gia trì của những bậc giác ngộ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật.
Không muốn thay đổi – Không muốn thay đổi là căn bản của Tập Quán Nghiệp. Thí dụ như có nhiều Phật tử muốn thấy các chùa Việt Nam ở Mỹ phải được kiến trúc và sinh hoạt thuần túy như một ngôi chùa ở Việt Nam, và trong thâm tâm luôn nghĩ phải như vậy mới đúng là một ngôi chùa. Nhưng nếu chúng ta biết như lý tác ý nghĩa là hiểu được ý nghĩa sâu xa của hộ trì Tam Bảo là tích cực làm cho Tam Bảo được trường tồn, thì vai trò đặc biệt và vô cùng cấp thiết của người con Phật trong bối cảnh xã hội Mỹ hiện nay là chúng ta phải tích cực ủng hộ, phổ biến, giúp đỡ các thay đổi cần thiết để các chùa Việt Nam có thể hòa nhập được với tập quán xã hội Mỹ để có thể còn tồn tại và tiếp tục phát triển ở Mỹ trong tương lai. Xin xem bài viết “Góp Ý Về Nhu Cầu Bảo Tồn Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ” trên trang mạng Chùa Ngàn Phật (www.chuanganphat.org).
Tu là chuyển nghiệp. Tu hạnh Bồ Tát là huân tu để trả và chuyển nghiệp xấu mà mình đã tạo, không tạo thêm nghiệp xấu, và giúp người chuyển nghiệp bằng cách ủng hộ, giúp đỡ các đạo tràng tu học và các Phật sự hộ trì Tam Bảo. Tập Quán Nghiệp từ nhiều kiếp nằm dưới dạng Tích Lũy Nghiệp ràng buộc những người có cùng Cộng Nghiệp và chi phối cách hành sự của từng cá nhân tạo thành Biệt Nghiệp nên rất khó chuyển và khó cưỡng lại. Nhưng nếu chuyển được hay phát tâm giúp người chuyển Tập Quán Nghiệp thì công đức vô lượng không thể nghĩ bàn. Kinh Vô Lượng Thọ, đoạn cuối của Phẩm 41, kết luận “nếu đem trí tuệ vô tướng (không phân biệt, chấp trước bởi Tập Quán Nghiệp) làm các công đức cầu sinh về Tịnh độ thì quyết được sinh về cõi Phật”.
Muốn chuyển Tập Quán Nghiệp có hiệu quả thì chúng ta phải tích cực học hỏi giáo lý và từ đó thực tập như lý tác ý nghĩa là nhìn các pháp và tác ý hay tâm sinh đúng như lời Phật dạy. Nghĩa là huân tập khởi nghĩ về mọi sự vật và hiện tượng không ảnh hưởng bởi tư lợi mà đúng như bản chất của chúng, nghĩa là duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. Nhờ luôn như lý tác ý hay quán sát đúng đắn đối với mọi hiện tượng tâm lý và vật lý mà tâm thức chúng ta lần hồi trở nên trong sáng, thanh tịnh, và bớt bị chi phối bởi Tập Quán Nghiệp.
Join Our Mailing List
CHÙA NGÀN PHẬT
153 Wolfetrail Rd.
Greensboro, NC 27406
(919) 349-6892
Khách Viếng Chùa Online: 518158
CHÙA NGÀN PHẬT
153 Wolfetrail Rd.
Greensboro, NC 27406
(919) 349-6892
Khách Viếng Chùa Online: 518158